Cần khuyến khích đầu tư công nghệ lưu trữ điện mặt trời
T.H
(KTSG Online) - Hệ thống lưu trữ năng lượng cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và phát vào giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Hệ thống này sẽ khắc phục nhước điểm nguồn điện mặt trời như phát không liên tục, biến động thất thường, có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp gây mất an toàn lưới điện.
Tình trạng cắt giảm công suất các nhà máy điện mặt trời vừa qua khi lưới điện truyền tải không theo kịp sự phát triển của nguồn điện cho thấy, cần thiết đưa công nghệ lưu trữ điện năng vào đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo.
Việt Nam hiện chưa sản xuất được thiết bị pin, ắc quy trữ điện cho hệ thống năng lượng mặt trời, các thiết bị bán trên thị trường hầu hết đều là hàng nhập khẩu. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ lưu trữ điện năng.
Dự án Nhà máy điện Mặt Trời Solar Farm Nhơn Hải-Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn phát điện mặt trời hiện chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng công suất đặt của toàn hệ thống. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của nguồn điện này đã dẫn đến hiện tượng quá tải vào thời điểm buổi trưa (từ 10g - 14g) do phụ tải thấp và bức xạ điện mặt trời tốt nhất trong ngày. Trong khi giờ cao điểm của sử dụng điện lại rơi vào khoảng từ 17g- 18g30 và lúc này không còn ánh nắng mặt trời.
Điều này đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện. Để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống có khả năng linh hoạt khi nhu cầu tiêu thụ điện ở mức cao nhất.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hiến, Hiệp hội Năng lượng sạch, tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng tăng và kèm theo đó là tính bất ổn định trong vận hành cũng gia tăng tương ứng, gây khó khăn cho điều độ hệ thống điện.
Để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện; trong đó có nguồn năng lượng tái tạo, do vậy buộc phải giảm công suất lên lưới. Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm đến giải pháp lưu trữ điện để gia tăng hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn năng lượng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện có rất nhiều hệ thống lưu trữ điện năng khác nhau và mỗi hệ thống lưu trữ lại có đặc tính, công nghệ khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu để lựa chọn những hệ thống tối ưu, giảm nhẹ tác động của nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường các hệ thống lưu trữ điện là những bài toán cấp thiết đang đặt ra.
Hệ thống lưu trữ năng lượng cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và phát vào giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh. Bởi thực tế, nguồn điện mặt trời, điện gió không liên tục và biến động thất thường, nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện.
Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp tích trữ với các nhà máy năng lượng tái tạo, hoặc cho toàn hệ thống để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội, từ đó thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể.
Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tiến tới phát triển các sản phẩm pin ôxy hóa khử Vanadium - loại pin của tương lai của công nghệ lưu trữ. Pin này có đặc tính kỹ thuật phù hợp, tương thích với các hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo vốn không ổn định, như khả năng nâng cấp một cách độc lập dung lượng lưu trữ, tuổi thọ cao, chi phí bảo dưỡng thay thế thấp... phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, chiếu sáng tại sân bay, canh tác thanh long...
Theo TTXVN, EVN
Xem thêm: lmth.iort-tam-neid-urt-uul-ehgn-gnoc-ut-uad-hcihk-neyuhk-nac/401513/nv.semitnogiaseht.www