"Giá nhà tiếp tục tăng cao khiến giới đầu tư bất động sản lo ngại" là nhận định của bài viết đăng trên tờ Business Insider số ra tuần này.
Bài viết dẫn báo cáo của Redfin cho thấy, giá nhà ở trung bình tại Mỹ trong 4 tuần kết thúc ngày 21/3 đã tăng lên tới hơn 331.000 USD/căn, mức cao kỷ lục và tăng tới 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường bất động sản Mỹ thời gian gần đây xuất hiện 3 xu hướng đáng quan ngại nhất: Thứ nhất là số lượng nhà rao bán giảm 42%, mức giảm kỷ lục kể từ năm 2016; Thứ hai là giá nhà được bán cao hơn mức giá niêm yết tới hơn 100%, năm 2020 là 1,9%; Thứ ba là có tới 61% số nhà được bán trong chưa đầy 2 tuần rao bán trên thị trường.
Giá nhà ở trung bình tại Mỹ trong 4 tuần kết thúc ngày 21/3 đã tăng lên tới hơn 331.000 USD/căn. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Theo CNBC, mặc dù nguyên nhân chính khiến giá nhà hiện nay tăng quá cao là do nhu cầu tăng khi nguồn cung thấp kỷ lục, nhưng việc duy trì lãi suất cho vay mua nhà thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đóng một vai trò quan trọng.
Mặc dù lãi suất hiện đang tăng nhẹ, nhưng vẫn ở gần mức thấp lịch sử. Bên cạnh việc bám vào lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, vốn đã giảm đáng kể trong đại dịch, lãi suất thế chấp còn bị ảnh hưởng bởi việc FED nắm giữ lượng chứng khoán được đại lý bảo đảm bằng thế chấp, gọi tắt là MBS.
Cụ thể, đầu năm 2019, FED nắm giữ 1,6 nghìn tỷ USD giá trị MBS. Đến giữa tháng 3/2020, con số này giảm xuống còn 1,37 nghìn tỷ USD. Khi nền kinh tế và thị trường nhà ở bất ngờ rơi tự do do đại dịch, FED bắt đầu mua vào MBS. Đến cuối tuần trước, FED đã nắm giữ 2,2 nghìn tỷ USD giá trị MBS, tương đương hơn 1/3 lượng MBS trên thị trường.
Tại Trung Quốc, giới chức tìm nhiều cách để hạ nhiệt thị trường nhưng không đạt được nhiều kết quả. (Ảnh: Shutterstock)
Tình trạng phát triển nóng của thị trường nhà ở không chỉ diễn ra tại Mỹ. Theo Tạp chí Phố Wall, việc các chính phủ duy trì mức lãi suất thấp và tung ra các gói cứu trợ khổng lồ đang khiến thị trường bất động sản toàn cầu đứng trước nguy cơ bong bóng.
Tại Trung Quốc, giá nhà một số thành phố đã tăng tới 16%. Tại New Zealand, giá nhà ở tháng 2 vừa qua đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 37 nền kinh tế giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá nhà ở đã tăng 5%, mức tăng nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
Thực trạng này đang khiến các nhà hoạch định chính sách ở vào thế tiến thoái lưỡng nan khi mục tiêu duy trì lãi suất thấp để phục hồi kinh tế đang được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng hiện thị trường bất động sản toàn cầu khó rơi vào khủng hoảng như năm 2008 và các thị trường có thể hạ nhiệt một cách tự nhiên khi lãi suất tăng, nhu cầu được đáp ứng.
VTV.vn - Sau đại dịch COVID-19, nhiều người trẻ tìm thấy cơ hội sinh sống ở thành phố New York (Mỹ) nhờ giá nhà giảm kỷ lục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69450541120401202-am-ihp-gnat-ym-iat-ahn-aig-cul-yk-paht-gnuc-nougn/et-hnik/nv.vtv