"Tôi mới phát hiện nhà bên Mỹ của anh Danny rất gần với Elon Musk. Gần lắm! Tôi thấy hàng xóm gần nhau hay nói chuyện giống nhau", ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc Masan Consumer bình luận sau bài phát biểu của ông Danny Le - CEO Masan.
"Alpha-Bet" (tạm hiểu: cuộc đặt cược chiến lược) là từ được tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN) sử dụng cho phần mở đầu thư ngỏ gửi cổ đông trong Báo cáo thường niên 2020, và cũng là từ được ông Danny nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về tương lai ngành bán lẻ.
Cuộc đặt cược chiến lược ấy mở màn bằng thương vụ mua lại VinCommerce, tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD, khiến những người tin tưởng nhất vào Masan cũng trở nên lung lay, giá cổ phiếu của công ty giảm phân nửa chỉ trong một tháng.
"Tương lai của ngành hàng tiêu dùng (FMCG) sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại (MT). Kênh MT là một cuộc đặt cược chiến lược của công ty", ông Danny nhận định tại ĐHCĐ của 3 công ty Masan Group, Masan Consumer, Masan MEATLife.
Sau khi tiếp quản hệ thống VinMart và VinMart+, Masab đã quyết liệt đóng khoảng 700 điểm bán hoạt động kém hiệu quả, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của VinCommerce đã hòa vốn năm 2020. Quý I/2021, EBITDA bắt đầu dương 1-2%.
Tầm nhìn 2025 của VinMart (sẽ đổi tên thành WinMart) là mở tới 10.000 cửa hàng, nhượng quyền 20.000 cửa hàng với mô hình WinMart+. Chuỗi siêu thị WinMart sẽ mở đến 300 điểm, và EBITDA cải thiện ở mức 5%.
Với hơn 30.000 cửa hàng bán lẻ, Masan có thể làm những gì?
Với mảng cốt lõi là bán lẻ, ông Danny tham vọng Masan sẽ định hình lại chuỗi cung ứng.
"Người tiêu dùng đang phải chi trả nhiều hơn vì những yếu kém trong logistics. Họ hiện phải trả thêm 15 - 20% cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Nhà sản xuất và các ngân hàng thì phải chi trả 15 - 20% chi phí cho mạng lưới phân phối. Những người bán lẻ ở kênh GT (bán lẻ truyền thống – PV), chi phí mua hàng tăng thêm 15% vì quy mô nhỏ lẻ, và họ thiếu những tiêu chuẩn dịch vụ", CEO Masan nói về những vấn đề bất cập của thị trường.
Trong chuỗi cung ứng của tương lai, Masan sẽ thiết lập một nền tảng logistics cho tất cả, bắt đầu từ những nhà cung cấp của họ sẽ vận hành thông qua những trung tâm xử lý đơn hàng. Nền tảng này dựa trên công nghệ được vận hành bởi hệ thống đặt hàng tự động.
Hệ thống hơn 3.000 điểm bán lẻ của Masan sẽ tích hợp sâu với các nhà cung cấp để chia sẻ dữ liệu, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn đủ hàng luôn ở tỷ lệ vàng, ở mức 96 – 98%. Kế hoạch này đã được thử nghiệm thành công vào cuối năm ngoái tại TPHCM, tháng 2 đã thử nghiệm ở Đà Nẵng, hiện đang thử nghiệm ở Hà Nội, và tiến tới tháng 5/2021 sẽ triển khai toàn quốc cho những nhà cung cấp chiến lược đầu tiên của CrownX.
Về mảng tài chính, độ phủ rộng chính là lợi thế lớn. Một hợp tác độc quyền với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sẽ mở ra thế cuộc win – win cho cả hai.
Với 3.000 cửa hàng VinMart+ (mốc số lượng cửa hàng mục tiêu cho năm 2021), Techcombank có thể tận dụng để tiến tới thị trường phổ thông (Mass Market) khi "chớp mắt" có thêm 3000 điểm giao dịch, với chi phí đầu tư thấp, chi phí vận hành thấp.
Sau tất cả, Masan được gì?
Chiếc lược điểm chạm giao dịch cho cả hàng nhu yếu phẩm lẫn nhu cầu tài chính sẽ giúp Masan hút 2 tỷ USD CASA (tiền gửi không kỳ hạn) từ 50 triệu khách hàng sẽ mở tài khoản, giao dịch, tiết kiệm tại các điểm bán lẻ, thu về khoảng 6 tỷ USD tổng giá trị thanh toán (GMV) của các giao dịch tài chính này.
CEO Masan Danny Le chia sẻ về tầm nhìn 2025.
Việc xây dựng dữ liệu nền tảng khách hàng trung thành, cộng thêm việc tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn (big data), Masan hướng đến mục tiêu phục vụ từ 1 - 2 tỷ USD khoản vay từ người tiêu dùng, 200 triệu USD khoản vay từ các nhà bán lẻ truyền thống (GT), và 1 - 2 tỷ USD từ hoạt động quản lý tài sản…
"Trong năm 2021, một KPI chính chúng tôi muốn nhắm đến là 1.800 điểm bán lẻ trong hệ thống sẽ trở thành điểm phục vụ đời sống tài chính cho người tiêu dùng", CEO Masan nói.
Với những lợi thế trên, Masan sẽ hướng đến xây dựng một nền tảng "Point of life" trong vài năm tới. Theo đó, các cửa hàng là điểm đến one-stop shop (tất cả trong một) phục vụ nhu cầu tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Chiến lược này giúp công ty không còn thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá.
Bài diễn thuyết của ông Danny nhận được lời khen từ Tổng Giám đốc Masan Consumer Trương Công Thắng.
"Xưa Elon Musk nói chuyện lên Sao Hỏa, tôi cũng đâu có tin... Nhưng khi thấy họ phóng vệ tinh, tôi bắt đầu tin. Tôi nghĩ chắc là sẽ lên được Sao Hỏa".
"Cách đây 3 năm, khi anh Quang (Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang – PV) và Danny nói về Point of Life, tôi cũng mơ hồ chả hiểu gì đâu. Và khi nhìn thấy từng việc xảy ra, tôi tin. Những người hàng xóm gần nhau, nói giống nhau, chắc sẽ đạt kết quả giống nhau", ông Thắng bày tỏ.
Bán lẻ thường được chia làm 2 kênh bán hàng chính:
- Kênh bán lẻ hiện đại (Modern Trade - MT) gồm các mô hình siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Đại diện có thể kể đến là VinMart, Lotte, Aeon, BigC, Circle K...
- Kênh bán lẻ truyền thống (General Trade - GT) gồm các mô hình cửa tiệm tạp hóa, chợ truyền thống...
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị