vĐồng tin tức tài chính 365

Chữ G thứ ba của Thủ tướng

2021-04-04 16:16

Chữ G thứ ba của Thủ tướng

Nguyễn Hữu Thiện

Vận chuyển lúa trên sông ở ĐBSCL. Ảnh: N.K

(KTSG) - Tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Cần Thơ ngày 13-3, Thủ tướng đã nêu phương châm 8G về những vấn đề cần làm đối với ĐBSCL: Giao (thông), Giáo (dục), Giang (sông), Gắn (kết), Giàu (kinh tế), Giỏi (nguồn nhân lực), Già (vấn đề già hóa dân số), Giới (bình đẳng).

Trong đó, chữ G thứ ba Thủ tướng đề cập đến “kinh tế sông” đối với ĐBSCL và chỉ đạo cần nghiên cứu về vấn đề này vì sông ngòi rất quan trọng đối với miền Tây. Tôi là người sinh ra lớn lên ở nông thôn miền Tây nên thấy thích thú với đề tài sông nước trong chữ G thứ ba, nên muốn tham gia bàn luận, góp góc nhìn cho các nghiên cứu sau này theo gợi ý của Thủ tướng.

Con sông quê ngày đó

Trong quá trình định cư của ông bà ta ở vùng đất này, nơi nào “sông sâu nước chảy” là nơi được ưu tiên để định cư. Những nơi đó nhanh chóng trở thành những nơi sung túc. Sau đó quá trình định cư mới lan ra những sông rạch nhỏ hơn, vẫn bám theo hai bên bờ sông rạch. Lý do đơn giản lắm, vì ở gần sông tiện lợi nhiều bề: có nước xài, có thủy lộ, tắm giặt bơi lội miễn phí, có tôm cá, có “view” đẹp, và có... cô nàng xóm chèo ghe ngang nhà mỗi chiều nước lớn.

Ông bà ta hay cất nhà bằng lá dừa nước ngó xuống sông, lấy sông làm mặt tiền. Bên nhà có một, hai con mương dẫn nước, phù sa, tôm cá vô ruộng vườn. Ông bà ta “thuận thiên” lắm. Chờ nước lớn giở nắp “ống bọng” cho nước vô ruộng vườn.

Ống bọng thường làm bằng thân dừa khoét ruột đặt bên dưới một cái đập nhỏ bằng đất chắn ngang mương. Khi nào cần tháo ra thì chờ nước ròng mở nắp ống bọng thì nước chảy ra. Có khi không cần “quản lý” gì cả, cứ để nước vào ra theo con nước lớn ròng. Nhờ đó nước bên trong ruộng vườn không bị tù đọng ô nhiễm, mà đầy tôm cá. Phù sa lên ruộng bồi bổ đất đai, lắng đọng đáy mương vườn, mùa khô vét lên bồi gốc cây, ít bón phân.

Dưới sông dập dìu ghe xuồng ngược xuôi. Ghe xuồng đi trong xóm thì chèo bằng tay, vừa không tốn xăng vừa khỏe người. Đi chợ xa thì gắn “máy đuôi tôm”, phổ biến nhất là máy Cô Le Tư (Kohler 4). Mà dù ghe chèo bằng tay hay ghe máy, người miền Tây luôn “thuận thiên” theo con nước. Thí dụ đi thăm anh sui xóm trên, chờ nước chảy lên thì đi xuôi theo dòng nước, ở đó hàn huyên với anh sui vài giờ sau nước ròng đổi chiều thì xuôi theo dòng nước mà về.

Nhịp thủy triều cũng là nhịp sống. Nhịp sống không hối hả, ít căng thẳng. Tiền mặt có thể ít nhưng không lo đói khát vì đã có dòng sông cung cấp nước sạch và cá tôm. Nước sông đục màu ngà ngà vì mang nặng phù sa nhưng màu đục đó không phải là dơ. Chỉ cần lấy thùng xuống sông xách nước lên đổ vào lu, lóng phèn cho lắng phù sa thì nấu ăn và uống được, không cần phải lấy nước ngầm. Lúc đó không khí còn trong lành, hứng nước mưa để dành uống, mát ngọt.

Nước lớn lên sông mấp mé bờ, cắm vài cần câu ven sông trong các bụi dừa nước, lát sau là đủ cho bữa ăn, nào là cá lòng tong, cá lăng, cá bống dừa. Nước ròng cạn gần sát đáy thì có nhiều xuồng quăng chài, giở “bò” (một loại dụng cụ bắt cá làm bằng tre), bắt cá cho bữa cơm chiều.

Đêm nước lớn, nghe tiếng đàn hát trên ghe của nam thanh nữ tú từ dưới sông vọng lên. Trước nhà có chiếc cầu bến sông để phụ nữ giặt giũ, rửa rau, cá. Đêm tối, ánh đèn dầu hắt ra từ những căn nhà, không sáng rực nhưng ấm cúng. Ven sông có nhiều cây bần, đom đóm chớp tắt đẹp hơn cây thông Noel. Hình ảnh này còn tồn tại đến cách nay vài chục năm.

Những điều giản dị này của ông bà ta, bây giờ người ta gọi là “kinh tế xanh”, họp hành bàn cãi hoài không ra.

Bây giờ hiện đại hơn

Bây giờ nhà nào cũng có điện, đường sá đa số là bê tông khang trang. Trước nhà có con lộ lót đan ven sông, xe hai bánh chạy vù vù. Ven lộ trồng hoa khoe sắc, ra dáng nông thôn mới.

Nhưng dưới sông vắng ngắt không còn xuồng ghe qua lại. Xe thì lao vút vì ai cũng bận rộn, khó chào nhau râm ran như xưa. Con đường ven sông cũng chính là đê bao khép kín, chừng hơn một cây số mới có cái cống lớn cho nước vào ra. Mùa nước nổi về, hay vào dịp nước rong ba mươi tháng tám và rằm tháng Chín, nước đầy sông mà không vô ruộng vườn. Nước bị hai con lộ hai bên giữ lại nên nhà cửa, ruộng vườn khô ráo.

Nước chỉ ở trong lòng sông như cái máng nên dâng cao, dồn về thành phố mà ngập. Mùa lũ về, trứng cá trôi về theo con nước sông Mêkông cũng chỉ ở trong lòng sông. Không có nơi lan tỏa để tìm mồi, để sinh sống, nên cá ít dần. Mà dù có cá thì cũng khó sống vì sông ngòi dơ quá. Mùa khô, sông ít còn được liên lạc với biển vì quá nhiều cống chặn để ngăn mặn, trữ ngọt ở phía biển.

Sông không còn con nước lớn, nước ròng mạnh mẽ như xưa mà lững lờ, dòng nước nâu nâu, có nơi đầy lục bình. Bùn trong mương vườn bây giờ không còn màu mỡ gà như xưa mà đen thui, lấy bồi lên gốc cây thì cây chết. Cây ăn trái trong vườn sống nhờ phân bón. Không ai còn dám tắm con sông quê nữa, vì tắm lên là ngứa, gãi tưng bừng.

Đóm đóm cũng đâu mất hết, chỉ có ánh điện các nhà rọi ra sáng trưng và ánh đèn xe hai bánh lấp loáng. Trong xóm bây giờ chỉ thấy người trung niên và người già, người trẻ đi đâu mất. Lác đác có vài căn nhà khóa cửa im ỉm, ổ khóa rỉ sét, nghe đâu cả nhà đã “đi Bình Dương”!. “Đi Bình Dương” là cụm từ phổ biến ở miền Tây ngày nay để chỉ việc người miền Tây bỏ xứ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, chủ yếu là miền Đông và TPHCM.

“Kinh tế sông” cần được hiểu rộng

Trong hội nghị, Thủ tướng đã nói không có dòng sông, con rạch thì không phải là văn hóa của miền Tây. Thủ tướng cũng cho rằng vai trò của sông ngòi còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120 và đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”. Thấy rất vui với nhận định này của Thủ tướng về sông ngòi miền Tây, và xin đề xuất hai khía cạnh cho các nghiên cứu về vấn đề này.

Thứ nhất, khái niệm kinh tế cần được hiểu rộng hơn là chỉ có chỉ số GDP. Nếu chỉ dùng GDP để tính kinh tế sông thì sẽ không đủ để có được sông ngòi lành mạnh, bởi GDP bỏ qua rất nhiều thứ. Kinh tế cần phải tính hết tất cả những giá trị mang lại lợi ích, trong đó có cả những giá trị thiên nhiên miễn phí như nước sông thuở sông ngòi còn sạch, tôm cá, nước chảy vào chảy ra ruộng vườn theo thủy triều khỏi tốn tiền xăng, tiền điện bơm nước, là phù sa bồi bổ đất đai ít tốn tiền phân thuốc.

Giá trị dòng sông (thuở còn chưa ô nhiễm) là bao nhiêu? Nếu dùng GDP để tính thì sẽ không thấy được giá trị của con sông trong việc có con sông mát lành thì không cần phải khai thác nước ngầm dẫn tới sụt lún đất, gia tăng ngập lụt ở thành phố và đe dọa nhấn chìm cả miền Tây.

Trung tâm cá thế giới đã ước lượng giá trị thủy sản tự nhiên nước ngọt của miền Tây khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nay cũng đã mất, nhưng không có trong chỉ số GDP. Vì vậy, để có một miền Tây khỏe mạnh, sông ngòi lại được tươi mát như vài mươi năm trước thì sông cần có con nước lớn, nước ròng theo nhịp thủy triều và được lan tỏa vào ruộng vườn cho ruộng vườn có lại cá tôm, để đất đai được bồi bổ, đô thị bớt ngập, văn hóa sông nước miền Tây không tiếp tục bị mài mòn.

Thứ hai, an ninh lương thực dài lâu không phải ở số thóc gạo nằm trong kho trong ngắn hạn mà nằm ở sức khỏe của đất đai, sông ngòi miền Tây. Những hệ lụy này là do một thời gian dài, các quy hoạch cho đồng bằng chú trọng mặt sản xuất mà bỏ qua các khía cạnh khác.

Những quy luật tự nhiên đã bị xem nhẹ. Các tiến trình của nước và nhịp điệu thời gian theo ngày, tháng, năm theo mùa của nước để duy trì sự sống không được xem trọng. Sông có chảy thì nước mới có oxy, mới có thể tự làm sạch được. Sông có nước lớn, nước ròng thì đất mới thở được, có hệ vi sinh vật trong đất thì đất đai mới khỏe mạnh được.

An ninh lương thực dài lâu chính là nằm ở chỗ này. 

Xem thêm: lmth.gnout-uht-auc-ab-uht-g-uhc/210513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chữ G thứ ba của Thủ tướng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools