Covid-19 đã gây ra những gián đoạn và thách thức chưa từng có đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Khả năng phục hồi và vươn lên sau đại dịch là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới tương lai của các doanh nghiệp.
Có những doanh nghiệp đã không bước nổi qua cơn sóng Covid-19, nhưng có nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy ứng biến đã trụ vững thậm chí hái trái ngọt khi mang về lợi nhuận, cổ tức "khủng" cho cổ đông.
Tâm điểm là vào cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việt Nam cũng có khoảng thời gian khủng hoảng nhiều hoạt động kinh doanh ngưng trệ.
Tuy nhiên, với Vinamilk, mọi thứ không có biến đổi nhiều. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) liên tiếp thực hiện những thương vụ M&A liên doanh để tạo ra lợi thế cạnh tranh thâm nhập thị trường.
Cuối tháng 12/2019, thương hiệu sữa được "định giá" hơn 2,4 tỷ USD (khoảng 55.400 tỷ đồng) này đã mua vào gần 79 triệu cổ phần công ty cổ phần GTNFoods (mã chứng khoán: GTN) nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75%, chính thức nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp sữa này. Giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 1.800 tỷ đồng.
Không khó để nhận ra tại sao Vinamilk chịu chi hàng nghìn tỷ đồng cho thương vụ trên, bởi GTNfoods đang gián tiếp sở hữu 51% của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) – đơn vị đóng góp hơn 80% doanh thu cho GTNfoods với biên lợi nhuận so với doanh thu đạt hơn 20%.
Trong quý 3/2019 của Vinamilk, lãi ròng 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này là gần 8.380 tỷ đồng, đạt được 80% kế hoạch năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinamilk đạt gần 42.145 tỷ đồng, tăng gần 7% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán thành phẩm vẫn chiếm cao nhất, gần 96% với gần 40.371 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2020 của Vinamilk có số liệu tăng trưởng khả quan. 2020 là năm thứ 8 liên tiếp công ty này được vinh danh trong Top "50 công ty niêm yết tốt nhất" do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.723 tỷ đồng, thu về 11.236 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và đưa mức đóng góp ngân sách Nhà nước của Vinamilk và các công ty thành viên đạt hơn 5.200 tỷ đồng.
Vào tháng 4/2020, Vinamilk đã hoàn tất việc sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc. Trong quý 2/2020, Vinamilk đã bắt đầu xuất những chuyến hàng đầu tiên của hợp đồng trị giá 20 triệu USD sang thị trường Trung Đông.
Bước sang năm 2021, cổ phiếu này tăng từ 117.900 đồng (phiên giao dịch ngày 2/1) lên 121.300 đồng/cổ phiếu (22/1), tương ứng mức tăng hơn 2,88%. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) mà Vinamilk phân bổ cho cổ đông năm 2020 khoảng 4.770 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước đó.
Trong phiên giao dịch mới nhất ngày 5/4/2021, thị giá cổ phiếu VNM niêm yết ở mức 102.700 đồng/cổ phiếu.
T.M (Tổng hợp)