Nhập khẩu thịt heo tăng nhanh, người chăn nuôi lo lắng
Vũ Yến
(KTSG Online) - Theo số liệu của cơ quan chức năng, lượng heo nhập khẩu bao gồm cả heo đông lạnh và heo sống trong năm 2020, hai tháng đầu năm 2021 tăng. Lượng heo này nhiều khiến người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước lo lắng.
Ảnh minh hoạ một trang trại nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: KĐ |
Nhập khẩu thị heo đạt hơn 45 triệu đô la trong hai tháng
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2-2021, Việt Nam nhập khẩu 8,64 ngàn tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 21,06 triệu đô la Mỹ, tăng 13,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với tháng 2-2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 18,89 nghìn tấn thịt heo, trị giá 45,39 triệu đô la Mỹ, tăng 88,7% về lượng và tăng 107,5 về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021 với 11,22 ngàn tấn, trị giá 30,27 triệu đô la, tăng tới 6.351% về lượng và tăng 5.186% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 140.000 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, tăng 382% so với cùng kỳ năm 2019. Trị giá nhập khẩu đạt hơn 330 triệu đô la Mỹ, tăng 503%. Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Mỹ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt heo cho Việt Nam. |
Đối với việc nhập khẩu heo sống, tính từ khi Việt Nam cấp phép nhập khẩu heo sống để giết mổ lấy thịt vào tháng 6-2020 tới cuối năm 2020 sản lượng nhập khẩu là 450.000 con heo sống.
Tháng 6-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý phương án đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam. Việc cho phép nhập khẩu heo sống ở thời điểm đó là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá heo hơi và giá thịt heo trong nước liên tục tăng ở mức cao, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Lo ngại tình trạng nhập khẩu ồ ạt
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết năm 2019, 2020 do diễn biến phức tạp của dịch tả heo Châu Phi, tổng đàn heo giảm, giá thịt heo trong nước tăng cao, nên việc tăng cường nhập khẩu thịt heo của Chính phủ là việc phải làm và đương nhiên. Việc nhập giúp nguồn cung ứng ra thị trường không bị thiếu hụt, giá thịt heo cũng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, theo ông Đoán, Chính phủ cần cân nhắc, tính toán cho phép số lượng nhập khẩu sao cho hợp lý, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu ồ ạt, tới mức dư thừa. Nếu thịt nhập quá dư thừa sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa thịt heo, giá sẽ giảm mạnh, từ đó người chăn nuôi sẽ lại gặp khó.
Riêng đối với thịt heo sống nhập khẩu, ngoài vấn đề số lượng, theo ông Đoán cần kiểm soát chặt chẽ để tránh lây nhiễm mầm bệnh, tránh ảnh hưởng tới sản xuất bền vững trong nước.
Ông Đoán cho biết, những ngày qua, giá heo hơi tại Đồng Nai dao động ở mức 70.000 - 76.000 đồng/kg. Với mức này, nếu sản xuất trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thì người nông dân chăn nuôi đã có lời (giá thành sản xuất khoảng 60.000 đồng/kg).
Về phía người chăn nuôi, ông Nguyễn Quang Thụy, ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi như ông rất lo lắng nếu thịt heo nhập nhiều. Bởi heo nhập nhiều, giá rẻ hơn thịt heo trong nước thì thịt heo trong nước có khả năng dư thừa, giá heo lại giảm, khi đó người chăn nuôi sẽ khó khăn hơn.
Cũng theo ông Thụy, hiện nay do giá thức ăn, mà chủ yếu là giá cám lên cao nên việc tái đàn của người chăn nuôi cũng đang chật vật. Cụ thể, nếu trước đây, để có một con heo có thể xuất chuồng, trọng lượng 100-110kg một năm tốn 3 triệu đồng tiền thức ăn, nhưng khoảng 5, 6 tháng trở lại đây con số này là 3,5-3,6 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc tiêm cho heo. Nếu lỡ dịch bệnh thì coi như mất trắng.
"Sau thời gian dài bị dịch tả heo châu Phi, bây giờ tôi mới lại tái đàn, có khoảng 20 con nái, trong khi trước đây trang trại tôi thường có 100 con nái. Nếu lượng heo nhập quá nhiều thì không biết sao", ông Thụy nói thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, thực tế việc nhập khẩu thịt heo có hai mặt. Cụ thể, trong điều kiện dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, tổng đàn heo trong nước chưa phục hồi, việc tái đàn cũng chưa trở lại như xưa dẫn tới giá heo hơi trong nước tăng cao, nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt thì việc nhập khẩu thịt heo là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, cũng cần tính đến chuyện việc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước, nhất là nhập ồ ạt, số lượng nhập nhiều, sẽ không thúc đẩy việc tái đàn trong nước.
Ông An cũng đề cập đến góc độ người tiêu dùng. Theo ông, thịt nhập khẩu có giá bán thấp hơn thịt giết mổ trong nước, đôi khi người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhập khẩu giá thấp mà không biết, sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với thịt heo giết mổ trong nước. Doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ trong nước theo đó cũng bị cạnh tranh không lành mạnh.
Theo ông An, thịt heo đông lạnh cũng như thịt heo sống hiện nay nhập khẩu về được sử dụng chủ yếu trong chế biến, ngoài ra còn được rã đông (đối với thịt heo đông lạnh) như thịt heo thông thường và sử dụng chế biến thức ăn tại các quán ăn, bếp ăn tập thể…
"Tôi nghĩ ở đây cần có vai trò điều tiết của các cơ quan chức năng để việc nhập khẩu diễn ra hợp lý. Thực ra với mức độ tiêu thụ một ngày 10.000 đến 11.000 con heo của TPHCM như hiện nay thì số lượng nhập khẩu như trên cũng còn ở mức hợp lý", ông An nói.
Xem thêm: lmth.gnal-ol-ioun-nahc-iougn-hnahn-gnat-oeh-tiht-uahk-pahn/881513/nv.semitnogiaseht.www