vĐồng tin tức tài chính 365

SK Group rót thêm hàng trăm triệu đô la vào thị trường bán lẻ Việt Nam

2021-04-06 14:13

SK Group rót thêm hàng trăm triệu đô la vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Dũng Nguyễn-Quốc Hùng

(KTSG Online) – Tập đoàn Hàn Quốc từng rót vốn vào Masan và Vingroup tiếp tục chi 410 triệu đô la mua 16,26% số cổ phần của Vincommerce, đặt kỳ vọng lớn vào thị trường bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng của Việt Nam.

SK Group rót 410 triệu đô la giúp củng cố bản cân đối kế toán cho Vincommerce. Ảnh: ĐVCC

Sáng 6-4, Tập đoàn Masan (MSN) công bố ký kết thỏa thuận về SK Group mua lại 16,26% số cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu đô la. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỉ đô la cho 100% vốn chủ sở hữu. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn cho Masan Group trong giao dịch này.

Lãnh đạo Masan cho biết sẽ sử dụng một phần khoản đầu tư này (xấp xỉ 225 triệu đô la) để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng vốn cho các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group – cho biết: “Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Một lần nữa, đây là giao dịch mang tính bước ngoặt đối với SK, tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Masan Group và Việt Nam”.

SK Group là một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc có hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, hóa chất, viễn thông, chất bán dẫn, hậu cần và dịch vụ. Còn SK Southeast Asia Investment thành lập 2018, đầu tư khoảng 470 triệu la vào Masan Group vào tháng 10-2018 (sở hữu khoảng 9,5%) và mua lại 6,1% cổ phần Vingroup vào tháng 5-2019.

Theo đại diện SK South East Asia Investment, ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) mà VinCommerce đang theo đuổi có tiềm năng lớn. Trong khi đó, VCM đã khẳng định năng lực cải thiện vận hành, tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng và danh mục sản phẩm, cải thiện lợi nhuận liên tục thông qua các sáng kiến quản lý biên lợi nhuận thương mại chặt chẽ và tiết kiệm chi phí.

VCM cho biết đã đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) hòa vốn trong quí 4-2020 và đạt EBITDA dương trong quí 1-2021. Ban điều hành kỳ vọng VCM đạt EBIT (lợi nhuận trước thuế) ở mức dương trong nửa cuối năm 2021.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của VinCommerce, cho biết trong 12 tháng qua, đội ngũ VinCommerce đã nỗ lực không ngừng để thiết lập một nền tảng vững chắc, sẵn sàng mở rộng quy mô trên toàn quốc nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của 30-50 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Trước đó, đại diện Masan cho biết kênh thương mại hiện đại (MT) dự kiến sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành thị trường MT phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.

Chia sẻ trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan vào ngày 1-4, trong năm nay, VCM đặt kế hoạch tiếp tục củng cố nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược, tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp, triển khai mô hình cửa hàng kiểu mẫu trên quy mô toàn quốc trước quí 2-2021 và nâng cấp mô hình chuỗi cung ứng châm hàng tự động.

Tại đại hội, ông Thắng cũng chia sẻ về tầm nhìn 2021-2025 của The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce. Theo đó, The CrownX sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), hàng FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt.

The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỉ đô la vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỉ đô la và VinCommerce đóng góp 5 tỉ đô la. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 - 50 triệu khách hàng thân thiết, trong đó 10% doanh thu đến từ kênh online.

Hãng tin Reuters ngày 6-4 cũng dẫn thông tin từ SK Group rằng, VinCommerce hiện đang vận hành khoảng 2.300 cửa hàng tiện lợi và siêu thị ở Việt Nam, với gần 50% thị phần trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng. SK đang lên kế hoạch đẩy nhanh các khoản đầu tư khác trong các mảng chiến lược như phân phối trực tuyến và ngoại tuyến (offline), logistics và thanh toán điện tử ở Việt Nam thông qua việc tận dụng mối quan hệ đối tác với Masan.

Năm 2019, thị trường bán lẻ trong nước đã chứng kiến một thương vụ mua bán sáp nhập quy mô lớn với việc Vingroup chuyển giao chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco cho đối tác Tập đoàn Masan. Không lâu sau đó, Masan đã thực hiện chiến lược tái cấu trúc VinCommerce. Cụ thể là mạnh tay đóng cửa các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động kém hiệu quả, đó là các điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m² thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn.
Do đó, trong năm 2020, hàng trăm điểm bán như vậy được cho đóng cửa. Song song với đó, VinCommerce cũng mở mới nhiều cửa hàng theo mô hình bày trí mới tại các khu vực tiềm năng.

Và từ ngày 1-4-2021, hệ thống cửa hàng của VinMart, VinMart+ được đổi thành cái tên mới là WinMart.
Trước đó, theo thông tin từ tập đoàn Masan, sau hơn một năm “về tay” Masan, hệ thống VinMart và VinMart+ đã gặt hái nhiều kết quả kinh doanh vượt trội. Chín tháng đầu năm 2020, VinCommerce đóng góp doanh thu 23.678 tỉ đồng, tức vượt 1 tỉ đô la và chiếm 42,5% tổng doanh thu hơn 55.600 tỉ đồng của toàn Tập đoàn. Đáng chú ý, chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+ ghi nhận doanh thu tăng 56,5% trong chín tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

 

Xem thêm: lmth.man-teiv-el-nab-gnourt-iht-oav-al-od-ueirt-mart-gnah-meht-tor-puorg-ks/481513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“SK Group rót thêm hàng trăm triệu đô la vào thị trường bán lẻ Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools