Mỹ vận động áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu
Lê Linh
(KTGS Online) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen kêu gọi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu để ngăn chặn cuộc chạy đua giảm thuế giữa các chính phủ nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.
Mỹ ủng hộ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu để ngăn chặn cuộc chạy đua giảm thuế giữa các chính phủ. Ảnh minh họa: AFP |
Đề xuất này cũng sẽ ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp Mỹ chuyển doanh thu và lợi nhuận ra đến những thiên đường thuế để được hưởng mức thuế thấp nhưng đồng thời bảo đảm họ không bị bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh của nước ngoài vì tất cả đều phải chịu mức thuế “sàn”.
Ngăn chặn cuộc chạy đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp
Hôm 5-4, phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Chigaco về các vấn đề toàn cầu tổ chức, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các nước trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) để thống nhất một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp trong 30 năm qua”.
Các nền kinh tế lớn đang tìm cách ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận và doanh thu thuế đến những nước có mức thuế ưu đãi với doanh nghiệp cho dù doanh thu của họ đến từ bất cứ nơi đâu. Ngày càng có nhiều thu nhập từ các nguồn tài sản vô hình như bản quyền dược phẩm, dịch vụ phần mềm và tác quyền tài sản sở hữu trí tuệ được chuyển đến những thiên đường thuế này, cho phép các công ty đa quốc gia tránh phải trả mức thuế cao hơn ở đất nước quê hương của họ. |
Bà cho rằng mức thuế tối thiểu như vậy sẽ giúp chấm dứt áp lực cạnh tranh thuế và bảo đảm các chính phủ có hệ thống thuế ổn định để kiếm nguồn doanh thu đầy đủ từ các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu và ứng phó các cuộc khủng hoảng.
Gần đây, Tổng thống Mỹ, Joe Biden đề xuất gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỉ đô la và nguồn ngân sách cho gói chi tiêu này sẽ được chi trả trong 15 năm tới bằng cách tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% lên 28% cũng như tăng mức thuế tối thiểu đối với thu nhập từ nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ từ mức 10,5% lên 21%.
Điều này có thể gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp có trụ sở đặt tại Mỹ và đang hoạt động ở các thị trường nước ngoài vì họ sẽ phải trả mức thuế thu nhập tối thiểu 21% nhưng các đối thủ nước ngoài thì không. Đó là lý do tại sao đề xuất áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Bộ trưởng Janet Yellen rất quan trọng đối với kế hoạch đầu tư cơ sơ hạ tầng của chính phủ Mỹ.
Nếu Washington có thể thuyết phục các nước khác áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu ở mức tương tự, các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ sẽ không rơi vào tình thế thua thiệt trước các đối thủ nước ngoài trong trường hợp, chỉ có Mỹ áp mức “sàn” thuế doanh nghiệp, còn các nước khác thì không.
Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 21% hay 12,5%?
Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), có trụ sở ở Paris, là cơ quan điều phối các cuộc đàm phán giữa 140 nước trong nhiều năm qua về hai chương trình cải cách thuế lớn: Thiết lập quy định đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới và hạn chế xói mòn cơ sở thuế bằng cách áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Chương trình thứ nhất chủ yếu nhắm đến các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon, Facebook, Apple...để buộc họ phải trả thuế tại nơi mà họ kiếm được doanh thu và lợi nhuận dù họ không có sự hiện diện hữu hình tại đó (văn phòng, nhà kho...). Chương trình thứ hai về thuế doanh thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ áp dụng cho tất cả công ty đa quốc gia để chấm dứt cuộc cạnh tranh giảm thuế giữa các chính phủ nhằm thu hút các công ty này.
OECD và các nước thuộc nhóm G20 đặt mục tiêu sẽ đạt được đồng thuận về hai chương trình này vào giữa năm nay nhưng các cuộc đàm phán về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít gây tranh cãi chính trị hơn và đơn giản hơn về mặt kỹ thuật. OECD kỳ vọng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ đóng góp phần lớn nguồn thu thuế doanh nghiệp tăng thêm từ 50-80 tỉ đô la mỗi năm trên toàn cầu nếu các nước đạt được thỏa thuận về hai vấn đề trên.
Sau khi nhất trí mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, các chính phủ vẫn có thể áp dụng mức thuế doanh nghiệp của riêng họ đối với các công ty đa quốc gia. Nhưng nếu các công ty này trả thuế thấp hơn mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tại một quốc gia cụ thể thì chính phủ, nơi các công ty đó đặt trụ sở, có thể tăng thu thuế thêm đối với họ lên mức tối thiểu để loại bỏ lợi thế của việc chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế.
Tháng trước, OECD cho biết các chính phủ đã nhất trí về đề cương cơ bản của thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhưng chưa thống nhất mức thuế. Các chuyên gia thuế quốc tế nhận định xác định mức thuế tối thiểu là vấn đề gai góc nhất....
Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tăng thuế thu nhập kiếm được ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ lên mức 21%, cao hơn nhiều so với mức 10,5% hiện nay. Do vậy, Mỹ cũng đề xuất áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức đương đương, tức cao gần gấp đôi so với mức 12,5% được nêu ra trong các cuộc đàm phán trước đây dưới sự điều phối của OECD.
Các nước như Ireland, nơi có nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây nhờ hàng tỉ đô la đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài đổ vào để hưởng mức thuế doanh nghiệp thấp (12,5%) của nước này, chắc chắn sẽ kịch liệt mức thuế tối thiểu cao như vậy.
Hôm 6-4, Dan Ferrie, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) cho biết EC ủng hộ đề xuất về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen. Ông hy vọng sự ủng hộ của Mỹ đối với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra động lực mới để các nước hướng tới một thỏa thuận vào mùa hè này. Tuy nhiên, khi được hỏi về mức thuế tối thiểu 21% theo đề xuất của Mỹ, ông cho rằng vấn đề này cần được thảo luận tại các cuộc đàm phán do OECD chủ trì. Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nói rằng IMF rất ủng hộ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire nói: “Chúng tôi vui mừng trước sự ủng hộ của Mỹ đối với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Một thỏa thuận thuế quốc tế giờ đây đã nằm trong tầm tay. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội lịch sử này”. Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz, bày tỏ: “Tôi rất phấn chấn rằng với sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu này , chúng ta có thể chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy trên thế giới về thuế”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ireland, Paschal Donohoe nói rằng ông lo ngại thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế nhỏ như Ireland, vốn đang chọn mô hình thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. |
Theo Reuters, Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.uac-naot-nert-ueiht-iot-peihgn-hnaod-euht-cum-gnud-pa-gnod-nav-ym/772513/nv.semitnogiaseht.www