Ngày 8-4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng- Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến “Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19”.
Một nội dung đáng chú ý của báo cáo là thực trạng kiểm soát hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy dịch bệnh lây lan đã làm gián đoạn thị trường M&A trong nước.
Tuy nhiên năm 2020, làn sóng M&A đang dần trở lại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành dệt may Việt Nam có chi phí lao động thấp là cơ hội cho các thương vụ mua bán sáp nhập.
Theo Bộ Công Thương, các thương vụ M&A tại Việt Nam ra đời từ nhiều lý do khác nhau như DN phương Tây rút vốn khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung; Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020.
Giai đoạn 2020-2021, Euromonitor International dự báo điểm đầu tư M&A của Việt Nam đứng thứ hai đạt 94.6 điểm, sau Hoa Kỳ là 112.5 điểm.
Theo Bộ Công Thương, lí do DN chọn đầu tư M&A vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử tại Việt Nam vì cơ hội từ thị trường Việt Nam rất lớn.
Chẳng hạn, ngành dệt may Việt Nam có chi phí lao động thấp chỉ bằng 2/3 lương tại Indonesia và Malaysia trong khi thời gian sản xuất trung bình tại Việt Nam 60-90 ngày, chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ 40 - 70 ngày; Tương đương với Indonesia, Malaysia và cao hơn so với Bangladesh, Campuchia 80 - 120 ngày…
Đối với ngành gia dày, Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng với mức tiêu thụ năm 2018 khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người/năm) và tiếp tục tăng do người dân có thu nhập ngày càng cao.
Người Việt tiêu thụ 1,9 đôi giày/năm.
Hiện nay ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá.
Các khách hàng, đối tác có xu hướng dịch chuyển đơn hàng và cả các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành “công xưởng” sản xuất giày dép trên thế giới…
Tuy vậy, nhiều DN gặp khó khăn trong việc giành lại thị phần khi cạnh tranh với các DN nước ngoài, khiến tên tuổi các thương hiệu trong nước dần bị mất vị thế.
Tiềm lực của các DN trong nước chưa lớn, đơn cử như ngành dệt may các DN Việt Nam chưa có chuỗi cung ứng ổn định, đặc biệt sau thời kỳ COVID-19.
Cạnh tranh về đơn hàng giữa DN nội địa với DN FDI ngày càng gay gắt. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, thậm chí một số đã phải đóng cửa, đối diện với nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân là do hầu hết các đơn hàng bị chia nhỏ, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của bị sụt giảm. Các đơn hàng có xu hướng chuyển sang những nước có ưu đãi về thuế suất như Banglades, Campuchia, thay vì vào Việt Nam như trước đây...
Đối với ngành da giày, túi xách có đến 20% các DN lớn nhưng DN FDI chiếm khoảng 75% giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN da giày trong nước khó có thể nhận được các ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại vì hầu hết DN Việt Nam đều đang gia công; Các DN nước ngoài có thể tận dụng được những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.