Sáng nay 9/4, cầu thủ Xuân Trường và bạn gái Nhuệ Giang sẽ tổ chức lễ ăn hỏi. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, dù bận rộn lo chuẩn bị lễ ăn hỏi, cầu thủ Xuân Trường vẫn không bỏ bê chuyện khởi nghiệp làm ông chủ khi mới 26 tuổi. Hôm 7/3, tiền vệ HAGL chính thức ra mắt Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao quốc tế (IRC) do anh sáng lập và vận hành.
Ban lãnh đạo của trung tâm gồm Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Ryan Sơn Trần, Giám đốc chuyên môn Choi Ju Young, Phó Giám đốc chuyên môn Trần Huy Thọ.
Theo tìm hiểu của PV, Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao quốc tế thuộc công ty cổ phần IRC được thành lập ngày 14/8/2020, trụ sở ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty đăng ký lĩnh vực kinh doanh sản xuất, buôn bán, cho thuê thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao; hoạt động cơ sở thể thao, CLB thể thao và hoạt động y tế chỉnh hình, phục hồi chấn thương.
Công ty cổ phần IRC có số vốn điều lệ 5 tỷ đồng và được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập là: Ông Nguyễn Việt Hùng (góp vốn 1 tỷ đồng - 20%); ông Lương Xuân Trường (góp 3,25 tỷ đồng - 65%) và ông Trần Hữu Hoàng Sơn (góp 750 triệu đồng - 15%). Ông Nguyễn Việt Hùng là người đại diện pháp luật Công ty.
Câu chuyện các cầu thủ lấn sân kinh doanh khi còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp không có gì là lạ như Anh Đức, Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng...
Anh Đức: Xứng danh anh cả khởi nghiệp
Cầu thủ Anh Đức là một trong những cầu thủ Việt Nam (hiện còn thi đấu) lấn sân vào kinh doanh sớm nhất. Năm 2008, chân sút sinh năm 1985 mở một cửa hàng bán dụng cụ thể thao, ban đầu chỉ là nhập đồ về và bán. Sau đó, anh mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất giày và may quần áo.
Ngày 24/6/2015, Anh Đức thành lập công ty TNHH MTV Anh Đức Sport, trụ sở ở Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất, buôn bán dụng cụ thể dục thể thao. Năm 2016, Anh Đức mở thêm chi nhánh ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tiếp nối thành công ban đầu này, tiền đạo này mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và nông sản. Theo tìm hiểu của PV, vào ngày 27/6/2018, cầu thủ này đã thành lập Công ty TNHH XNK nông sản Anh Đức, hoạt động trong lĩnh vực phân phối và xuất nhập khẩu nông sản với sản phẩm chính là Tiêu Bác Bảy. Trụ sở của công ty này được đặt cùng chỗ với công ty TNHH MTV Anh Đức Sport.
Sau đó, XNK nông sản Anh Đức đã hợp tác với Công ty TNHH VIETGO để xuất khẩu hồ tiêu ra nước ngoài.
Đặc biệt, vào đầu tháng 10/2019, cầu thủ này còn thành lập công ty cổ phần Thể thao HSĐ được đặt tại số 203 đường Hoàng Văn Thụ, KDC Chánh Nghĩa, tỉnh Bình Dương. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực tổ chức thi đấu các trận bóng trong và ngoài nước, kinh doanh các công việc phụ trợ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được góp vốn bởi 4 cổ đông sáng lập là: Ông Nguyễn Anh Đức (50%); ông Nguyễn Minh Sơn (22,5%); ông Nguyễn Thanh Quang (5%) và ông Nguyễn Minh Hiếu (22,5%).
Cựu tiền đạo Bình Dương được coi là cầu thủ Việt Nam giàu nhất hiện nay với khối tài sản ước tính hàng trăm tỷ đồng. Dù đã 35 tuổi và kinh tế dư dả, Anh Đức vẫn tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp khi đầu quân cho Long An, thi đấu ở giải hạng Nhất Quốc gia 2021.
Bùi Tiến Dũng bạo tay chi 10 tỷ lập thương hiệu mới
Tiếp bước người ảnh cả, Văn Toàn bước chân vào kinh doanh hồi cuối năm 2020 khi ra mắt thương hiệu thời trang riêng mang tên VATO9. Những mẫu áo phông và thun dài tay mang phong cách trẻ trung của chân sút quê Hải Dương được bạn bè và các fan mua ủng hộ nhiệt tình. Sau thành công ban đầu qua hình thức bán hàng online, sắp tới, Văn Toàn sẽ mở một cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội.
Ngoài thời trang, Văn Toàn cũng kinh doanh quán cafe. Ngày 3/4 vừa qua, tiền đạo sinh năm 1996 khai trương quán cafe Ông Bầu tại Hải Phòng.
Cũng lấn sân kinh doanh chọn lĩnh vực thời trang, thủ môn Bùi Tiến Dũng không ngần ngại chi một số tiền "khủng" để thử sức. Trong một video do chính thủ môn này chia sẻ, thương hiệu của Bùi Tiến Dũng có tên HALO D, chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng là giới trẻ. Được biết, số vốn mà chàng cầu thủ dùng để đầu tư cho thương hiệu này không dưới 10 tỷ đồng.
Anh cũng cho biết sẽ tự nhập vật liệu gia công, tự mở xưởng sản xuất riêng, thuê ít nhất là 3-4 cửa hàng kinh doanh mô hình theo chuỗi, đồng thời thuê một đội ngũ Marketing riêng để quảng bá sản phẩm. Thủ môn Tiến Dũng còn tự làm mẫu quảng cáo cho những sản phẩm đầu tiên của mình. Hiện tại, kênh bán hàng chủ yếu của HALO D được thực hiện qua hình thức online.
Công Phượng cùng vợ mở công ty vốn vỏn vẹn 1 tỷ đồng
Trong danh sách những cầu thủ lấn sân kinh doanh không thể bỏ qua tiền đạo Nguyễn Công Phượng - người đã có bàn thắng đẹp như mơ khi thêm tỷ số 2-0 cho đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 gặp Philippines.
22 tuổi, Công Phượng là ông chủ của quán cà phê tên CP10 Coffee ở Pleiku (Gia Lai). Tháng 5/2018 - một năm sau, tiền đạo xứ Nghệ tiếp tục mở một chi nhánh khác ở Hà Nội.
Tháng 7/2019, Công Phượng đứng tên mở Công ty TNHH Thương mại Tiếp thị Thể thao PM (viết tắt của Phượng và Minh, tên vợ anh), đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực như bán buôn thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, quảng cáo, sản xuất dụng cụ thể thao... Công ty có số vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Hiện tại, công ty này do Viên Minh - bà xã của anh - điều hành. Ngoài công ty trên, Công Phượng còn kết hợp với người đồng đội cũ Đông Triều mở quán chuyên bán món ăn xứ Quảng, đồng thời kinh doanh thêm cà phê Ông Bầu tại TP.HCM.
Bên cạnh những gương mặt kể trên, nhiều cầu thủ khác của bóng đá Việt Nam cũng vừa thi đấu, vừa kinh doanh như Tuấn Anh (HAGL, từng mở homestay), Lê Đức Lương (HAGL, shop thời trang), Bùi Tiến Dụng (Đà Nẵng, shop thời trang), tiền vệ Bùi Tiến Dũng (cửa hàng bán nước rau má Healthy)...