Một tiệm sửa xe góc đường Sài Gòn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Anh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, còn khá trẻ, mới chỉ ngoài 20 tuổi, anh hơn tôi mấy tuổi. Nhưng vì là bạn của cháu gái tôi nên anh gọi tôi bằng chú.
Cơ quan anh ở Quảng Ninh, chỉ ngày nghỉ hoặc ngày lễ anh mới về Hà Nội. Anh nói anh quê ở Bà Rịa nhưng vào học ở Sài Gòn lâu rồi nên cũng kể như người Sài Gòn.
Lần ấy anh về Hà Nội, rủ tôi lên đó chơi. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Anh giới thiệu tôi với mọi người, tôi cũng thấy vui lây trong không khí đầm ấm ấy.
Lúc sau, có một người chào hỏi xong kéo anh ra một bên thì thầm gì đó, tôi thấy anh rút ví lấy ra một xấp tiền đưa. Người ấy mừng rỡ quay trở lại chỗ mọi người, miệng luôn xuýt xoa: "May quá! Em cám ơn anh hai nghen!". Anh xuề xòa: "Không có chi! Cứ lo cho xong việc đi!".
Trên đường về tôi hỏi: "Người anh cho tiền là bà con anh em chi vậy?". Anh cười bảo rằng: "Đâu có! Nó là thằng em anh bạn tui, ở Nông trường Ba Vì chi đó, được cơ quan cho đi học tại chức mà trường ở xa, muốn mua xe đạp nhưng lại kẹt tiền nên tui cho nó một ít vậy thôi".
Tôi bắt đầu thấy lạ về cách cư xử của anh. Nên nhớ lương cán bộ công nhân viên nhà nước ở tập thể thời bấy giờ, trừ tiền ăn đi chẳng còn dư dật bao nhiêu. Vậy mà anh cho một người dưng một lúc cả nắm tiền.
Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không gặp anh, mặc dù lúc này anh đã là cháu rể tôi và chuyển vào TP.HCM.
Năm 1991 tôi mới có dịp vào ở chơi nhà anh một thời gian khá dài. Trong những ngày ở đây, tôi lại có dịp mắt thấy tai nghe về những nét đẹp đáng yêu trong cách sống bao dung của thành phố này.
Chả là để tăng thêm thu nhập, cháu gái tôi mở một quán giải khát trước nhà. Trong số khách vào quán, tôi thấy có hai người uống cà phê xong đứng dậy ra khỏi quán mà không thấy trả tiền, tôi nhắc cháu tôi, cháu chỉ cười và bảo:
"Ông ấy uống thiếu từ giờ đến chiều, sửa xe đạp có tiền rồi mới trả". Tôi nhìn theo thấy hai thầy trò ông vào sân một cơ quan gần đó kéo cái tủ đồ nghề ra vỉa hè bắt đầu công việc sửa xe.
Một lần trời gần tối, hai thầy trò ông sửa xe thu xếp đồ nghề ra quán uống cà phê thì có thêm mấy người nữa xáp vô. Ông hỏi: "Sao? Bữa nay bọn bây mần ăn khá chứ?".
Một người trong đó đáp: "Khá gì đâu anh ơi! Em đẩy xe ba gác trong chợ còn có chút tiền chứ hai thằng này chạy xe ôm hôm nay không có khách, tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra mà về cho vợ, em mới cho mỗi thằng ít, kẹt em cũng chẳng còn bao nhiêu. Anh có dư cho bọn nó thêm chút đi!".
Nghe nói vậy, ông sửa xe rút trong túi ra một nắm tiền lẻ còn dính cả dầu mỡ, bới bới đếm đếm một hồi rồi đưa cho hai người kia mỗi người một ít, nói: "Có bây nhiêu xài tạm nha, tau cũng chẳng có nhiều!".
Hai anh chàng kia cảm ơn rối rít rồi ra khỏi quán. Tôi hỏi ông: "Bác cho họ hết thì lấy đâu ra tiền mang về nhà?". Ông cười xởi lởi: "Yên tâm đi chú ơi! Tui đã hẹn với bà xã hằng ngày tui sẽ góp một khoản cố định để cùng bả nuôi con, trong túi tui đây nè! Còn đâu là quyền của tui chớ! Hôm nay tụi nó xui xẻo không kiếm được tiền thì tui giúp bọn nó chút đỉnh thôi mà!".
Đến lúc này thì tôi càng nhận ra rằng Sài Gòn ngoài cái vẻ xô bồ, vội vã, gai góc... ra, ở những người như tôi đã thấy và chắc chắn còn nhiều người khác như thế nữa có bao nhiêu tấm lòng và cử chỉ bao dung tạo nên nét đẹp thầm kín của một thành phố đáng yêu.
Kéo dài thời gian dự thi đến 15-4
Tính đến ngày 9-4, cuộc thi "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được hơn 540 email gửi đến địa chỉ saigon@tuoitre.com.vn và 35 bài gửi qua đường bưu điện.
Cuộc thi nhận bài tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết. Thời gian gửi bài dự thi: đến hết ngày 15-4-2021.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 30-4-2021.
Báo Tuổi Trẻ cùng sự đồng hành của Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.
TUỔI TRẺ
TTO - Học giả Vương Hồng Sển từng viết 'Sài Gòn tạp pín lù, nôm na là Sài Gòn thập cẩm...'. Đúng là thành phố này cái gì cũng có, từ món ngon món dở, món mắc món rẻ, người tốt người xấu, đủ loại người, đủ hoàn cảnh, xuất thân.