Ukraine lại quyết bảo vệ Bakhmut
Trong thông tin mới nhất gửi đến nhân dân ngày 6-3, Tổng thống Ukraine ông Volodymyr Zelensky cho biết việc bảo vệ thành phố miền đông Bakhmut sẽ tiếp tục dù không ít lần phía Ukraine nêu khả năng rút lui để bảo toàn lực lượng.
Quyết định này được các tướng lĩnh hàng đầu gồm tướng Valery Zaluzhny - người đứng đầu lực lượng vũ trang và tướng Oleksandr Syrsky - chỉ huy lực lượng lục quân, ủng hộ.
"Họ đều ủng hộ không rút lui mà tăng cường (phòng thủ của chúng ta). Bộ chỉ huy nhất trí ủng hộ phương án này. Không có phương án nào khác. Tôi đã nói với tổng tư lệnh tìm lực lượng thích hợp để giúp quân ta ở Bakhmut", ông Zelensky nói.
* Nga chưa kiểm soát được Bakhmut. Sau nhiều tháng giao tranh, Nga chưa kiểm soát được Bakhmut dù không ít lần có những tuyên bố đã chiếm được.
Mới đây nhất, ông Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu công ty lính đánh thuê Wagner tham chiến ở Bakhmut, đã phàn nàn về việc thiếu đạn dược trong bối cảnh có mâu thuẫn rõ ràng giữa các chiến binh của Wagner và lực lượng chính quy của Nga.
Ông Prigozhin cảnh báo có khả năng vòng vây Nga đang muốn siết chặt quanh thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, có thể bị vỡ, nếu lực lượng Wagner không được tiếp tế đạn dược.
Hai công ty Canada bị Mỹ trừng phạt vì hỗ trợ Nga ở Ukraine
Ngày 6-3, Mỹ và Canada xác nhận danh sách các thực thể bị trừng phạt mới nhất của Mỹ do hỗ trợ Nga ở Ukraine có hai công ty Canada,
Hai công ty phân phối thiết bị điện tử từ Montreal - Cpunto Inc và Electronic Network Inc - bị liệt vào danh sách "hành động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ" và phải chịu các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Chính phủ Mỹ kêu gọi các công ty tuân thủ các biện pháp trừng phạt liên quan đến Nga mà nước này đưa ra. Mỹ cảnh báo việc không tuân thủ có thể dẫn đến các hành động pháp lý.
* Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể gặp bà Thái Anh Văn ở Mỹ. Hai nguồn tin của Reuters cho biết Chủ tịch Hạ viện Mỹ ông Kevin McCarthy có kế hoạch gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Mỹ trong những tuần tới.
Nếu đây là sự thật, nó sẽ là động thái nhằm tránh tổ chức chuyến đi mang tính nhạy cảm của Chủ tịch Hạ viện tới Đài Loan. Các chuyến đi như vậy luôn bị Trung Quốc phản đối gay gắt do Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một tỉnh của nước này.
Các nguồn tin giấu tên cho biết bà Thái Anh Văn đã được mời phát biểu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan trong thời gian quá cảnh qua California trong chuyến thăm tới Trung Mỹ.
* Mỹ từ chối cấp thị thực cho đại biểu Nga dự họp Liên Hiệp Quốc. Mỹ lại từ chối cấp thị thực cho một số nhà ngoại giao Nga dự định tham gia hoạt động của nhóm công tác về công nghệ thông tin và truyền thông tại trụ sở LHQ, bà Irina Tyazhlova - đại diện Nga tuyên bố.
Theo Hãng thông tấn Sputnik, bà cho biết đây không phải là lần đầu tiên Washington hành động như vậy. Bà cáo buộc Mỹ vi phạm trắng trợn nghĩa vụ cam kết về bố trí và đảm bảo công việc của các tổ chức thuộc LHQ.
Đại diện Nga cho biết đã khiếu nại lên Ban thư ký LHQ để yêu cầu chấm dứt việc Mỹ từ chối cấp thị thực, ngăn cản không cho các nhà ngoại giao Nga đến trụ sở LHQ công tác.
Đại diện các tổ chức phi chính phủ của Nga bị trở ngại trong việc nhận tài liệu, thực chất là bị "cắt đứt" cơ hội tham gia phiên họp chuyên đề.
* Pháp đình công lớn để phản đối cải cách hưu trí. Ngày 7-3, một số nghiệp đoàn lớn ở Pháp sẽ biểu tình và đình công phản đối cải cách hưu trí.
Họ thậm chí còn muốn tiếp tục đình công kéo dài để làm cho nước Pháp ''tê liệt'' nhằm gây áp lực mạnh buộc Chính phủ rút lại kế hoạch này.
Lãnh đạo công đoàn CFDT, ông Laurent Berger, ''kêu gọi tất cả những người làm công ăn lương trên toàn quốc, các công dân, những người hưu trí, tham gia''.
Lãnh đạo công đoàn lớn nhất nước Pháp cũng kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron ''ngừng bịt tai nhắm mắt'' và lên tiếng về sự việc.
Theo AFP, ngày hành động thứ sáu chống dự luật cải cách hưu trí, nâng tuổi về hưu từ 62 thành 64, dự kiến sẽ có nhiều người tham gia. Theo khảo sát, nhiều người Pháp phản đối việc Chính phủ muốn tăng tuổi hưu.
Dự kiến giao thông ngày 7-3 sẽ rất khó khăn khi toàn thể các công đoàn đã kêu gọi đình công kéo dài tại hệ thống đường sắt đô thị thủ đô Paris và vùng Ile-de France (RATP). Họ cũng đình công để giảm bớt lượng điện của các nhà máy điện hạt nhân.
Chính phủ khuyến cáo tất cả những ai có thể, hãy làm việc tại nhà để tránh bị ảnh hưởng. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng sẽ xuất hiện trên đài truyền hình tối 7-3 nói về chủ đề cải tổ hưu trí.
* Nước biển dâng đe dọa các siêu đô thị châu Á. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho các siêu đô thị châu Á và đảo ở Thái Bình Dương và tây Ấn Độ Dương.
Đây là kết luận trong bài báo của các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và ĐHTH La Rochelle ở Pháp công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Theo mô hình máy tính được lập trình để tính toán những thay đổi trong biến động tự nhiên có thể góp phần làm mực nước biển dâng lên dọc theo một số tuyến bờ biển nhất định, thủ đô Manila của Philippines lũ lụt ven biển sẽ xảy ra nhiều gấp 18 lần năm 2100 so với năm 2006 do biến đổi khí hậu.
Trong trường hợp xấu nhất, thiên tai như vậy có thể xảy ra nhiều gấp 96 lần. Biến đổi khí hậu sẽ làm đến nước biển dâng dọc theo tuyến bờ biển miền tây nước Mỹ và Úc.
TTO - Phân tích cho thấy đến năm 2050, mực nước biển dọc theo bờ biển của Mỹ có thể tăng tới 30cm so với mực nước hiện tại, theo nghiên cứu của NASA được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment.