Ngày 12/4/2021, Tập đoàn FLC đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên, để thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 và đặt mục tiêu 2021.
Ban lãnh đạo FLC cho biết, năm 2020, FLC là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch khi các hoạt động kinh doanh cốt lõi đều chịu tác động trực tiếp, tuy nhiên, kể từ quý 3/2020, FLC đã hồi phục trở lại.
Trong lĩnh vực BĐS, FLC khai trương khách sạn FLC Grand Hotel Quy Nhơn quy mô lớn nhất Việt Nam; bàn giao Tổ hợp văn phòng, khách sạn FLC Sea Tower Quy Nhơn… Đồng thời, tiếp tục khởi công giai đoạn 2 của Quần thể FLC Vĩnh Phúc, giai đoạn 2 của Quần thể FLC Quảng Bình.
Nhiều dự án của FLC tại Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn có tỷ lệ hấp thụ trung bình 85% nguồn cung sản phẩm, có dự án đạt tỷ lệ thanh khoản đến 100%, góp phần đưa tổng doanh thu từ bán hàng BĐS năm 2020 tăng so với năm trước, và đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu hợp nhất.
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và hàng không có doanh thu chiếm trên 35,4% tỷ trọng trong tổng doanh thu của cả Tập đoàn, tăng 31% so với 2019.
Kết thúc năm 2020, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Đánh giá về 2021, lãnh đạo FLC cho biết bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều điểm sáng cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp trên các lĩnh vực cốt lõi.
Trong bất động sản, số dự án đang phát triển và chuẩn bị ra mắt của FLC trong 2021 ước tính gần 20 dự án. Ngoài các dự án đô thị tại Hà Nội, Quảng Ninh, Kontum, Gia Lai, Đồng Tháp, …một số dự án du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm sẽ được khởi công tại Hà Giang, Phú Quốc...
Lĩnh vực dịch vụ sẽ đón đầu thị trường du lịch phục hồi trở lại trong thời gian tới. Trong đó lĩnh vực hàng không đặt mục tiêu nâng số lượng máy bay lên ít nhất 40 chiếc, mở rộng lên 70 – 80 đường bay và chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần hàng không nội địa.
Về chỉ tiêu kinh doanh FLC dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 15.250 tỷ đồng (nếu tính cả Bamboo Airways thì tổng doanh thu ước đạt khoảng 30.000 tỷ); lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng, sau thuế gần 900 tỷ, tăng khoảng 3 lần so với 2020.
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10% (cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do HĐQT quyết định) và kế hoạch phát hành 496 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên trên 12 ngàn tỷ trong 2021.
Kế hoạch này dự kiến triển khai từ quý II với tỷ lệ 10:7, tức mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới.
Với số tiền dự kiến gần 5.000 tỷ đồng thu về sau khi phát hành thêm cổ phiếu, FLC lên kế hoạch đầu tư vào 8 dự án bất động sản (4.500 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (gần 470 tỷ đồng). Một số dự án tiêu biểu như Đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch…
Bên cạnh đó, phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn ba năm của FLC cũng được thông qua, nhằm bổ sung vốn cho các dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo tại thành phố Hà Giang; Khu đô thị mới Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang…
Về nhân sự, FLC cũng đã thông qua tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT và bầu bổ sung thành viên BKS mới. Theo đó ông Đặng Tất Thắng được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Tập đoàn FLC, cùng thành viên BKS mới là bà Phan Thị Bích Phượng nhiệm kỳ 2021 – 2026, thay cho thành viên vừa miễn nhiệm.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị