Tờ The Guardian hôm 12-4 cho biết có nhiều lời kêu gọi chính phủ Úc cho phép hơn 3.000 người Myanmar ở lại Úc sau khi thị thực của họ hết hạn vì lo ngại những nguy hiểm mà họ phải đối mặt sau khi về nước.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne. Ảnh: AFP
Trong lá thư gửi chính phủ Úc, hai thành viên của đảng đối lập là bà Penny Wong và cộng sự Kristina Keneally nói rằng “không ai nên bị trục xuất một cách vô tâm” nếu như những người Myanmar không muốn quay về đất nước của họ. Đồng thời cho biết tình hình chính biến tại Myanmar đã gây ra “sự đau khổ tột cùng” cho cộng đồng người Myanmar ở Úc.
“Vì thế chúng tôi thúc giục chính phủ cho phép công dân Myanmar có thị thực tạm thời ở Úc gia hạn thời gian lưu trú. Chính phủ có sẵn các lựa chọn để hành động ngay bây giờ. Các bộ trưởng nội vụ và nhập cư có quyền hạn rất lớn và nên sử dụng những quyền hạn đó để cung cấp các lộ trình thị thực nhằm đáp ứng bất kỳ nhu cầu mới nổi nào” - lá thư vết.
Trong thư, hai thành viên của đảng đối lập Úc cũng kêu gọi “bổ sung các biện pháp trừng phạt lên Myanmar để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của Úc đối với các cuộc tấn công trực tiếp chống lại quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar”.
Lời kêu gọi gia hạn thị thực trên được ủng hộ bởi Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vào đầu tháng 3, chính phủ Australia thông báo đình chỉ hợp tác quân sự với Myanmar và tuyên bố sẽ chuyển hướng viện trợ cho các tổ chức phi chính phủ.
Cuộc chính biến vào đầu tháng 2 đã làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình tại Myanmar. Theo thống kê, có 706 người biểu tình, bao gồm 46 trẻ em, đã thiệt mạng. Trong khi đó, quân đội Myanmar thông báo số người chết thấp hơn rất nhiều và lưu ý rằng cũng có cảnh sát thiệt mạng do các vụ biểu tình.