vĐồng tin tức tài chính 365

Chưa tới hè, Đà Nẵng đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

2021-04-13 13:33

Chưa tới hè, Đà Nẵng đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) hôm nay, 13-4, đưa ra thông báo trên website của mình về việc giảm áp lực và lưu lượng trên hệ thống cấp nước toàn thành phố Đà Nẵng.

Độ nhiễm mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ, Đà Nẵng luôn ở ngưỡng cao những ngày gần đây. Ảnh: Dawaco

Theo giải thích từ Dawaco, hiện nay, nguồn nước sông Cầu Đỏ (một trong các nguồn nước chính cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng) bị nhiễm mặn. Nước từ thượng nguồn không về được đến cửa thu nước tại trạm thu Cầu Đỏ mà chỉ đến trạm An Trạch (thượng lưu trạm Cầu Đỏ) với mực thấp.

Trong những ngày qua, độ nhiễm mặn tại Cầu Đỏ nằm trong khoảng 8.000-10.000 mg/lít. Theo những người trong ngành, nếu độ nhiễm mặn thường xuyên ở mức 10.000 mg/lít sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt.

Do đó, công ty không thể khai thác hết công suất vận hành của trạm bơm phòng mặn An Trạch dẫn đến nguồn nước thô cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay hạn chế.

Dawaco bắt buộc phải giảm áp lực và lưu lượng trên hệ thống cấp nước nên sẽ yếu nước tại một số khu vực cuối nguồn, khu vực có địa hình cao và đối với các hộ sử dụng nước trực tiếp (đặc biệt vào giờ cao điểm).

Trước tình trạng trên, theo Dawaco, một số giải pháp tạm thời được đưa ra, bao gồm tỉnh Quảng Nam đang ngăn đập tạm trên sông Quảng Huế, đảm bảo mục tiêu cải thiện nguồn nước về hạ du và tăng cường nguồn nước thô cho Cầu Đỏ. Trong khi đó, Dawaco cũng đã chuẩn bị sẵn phương án thi công đập tạm tại sông Cẩm Lệ để khắc phục tình trạng này.

Về lâu dài, Dawaco hy vọng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày sẽ sớm đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021 cũng như các tuyến ống chính cấp nước cho các khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.
“Kính đề nghị Quý khách hàng sử dụng nước tiết kiệm và có kế hoạch dự trữ nước. Khi điều kiện cho phép, Dawaco tăng công suất cấp nước tối đa để khách hàng có nước dự trữ và sử dụng”, theo thông báo của Dawaco.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, Dự án Nhà máy nước Hòa Liên được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3476/QĐ-UBND ngày 7-8-2019 với tổng mức đầu tư 1.170 tỉ đồng. Do hai đợt dịch bệnh Covid-19 cộng với mưa lũ và vướng mặt bằng giải tỏa, nên dự án không thể đưa vào sử dụng trong tháng 6-2021 như dự kiến.

Thay vào đó, dự án dự kiến hoàn thành xây lắp, lắp đặt thiết bị trạm bơm nước thô, khu vực nhà máy xử lý nước, tuyến ống nước thô vào ngày 30-6-2021; hoàn thiện và vận hành chạy thử vào ngày 30-10-2021; hoàn thành xây lắp, lắp đặt thiết bị cho đập dâng Nam Mỹ vào ngày 30-10-2021 và bắt đầu tích nước cuối tháng 10-2021 và hoàn thiện, vận hành vào ngày 15-12-2021.

Tăng cường xả nước từ thượng nguồ và các thủy điện là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng thiều nước tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Trước đó, vào cuối tháng 3, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng gửi công văn cho các chủ hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 về việc vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia để bảo đảm cấp nước cho thành phố Đà Nẵng.

Theo tìm hiểu, trong 5 năm trở lại đây, Nhà máy nước Cầu Đỏ nhiễm mặn hầu như quanh năm. Năm 2018 và 2019 có đến 10 tháng bị nhiễm mặn. Trong năm 2020, độ mặn cũng duy trì ở mức gấp 5 lần quy chuẩn cho phép.

Để giảm độ mặn tại nhà máy nước này, Dawaco phải kích hoạt trạm bơm phòng mặn An Trạch, cách nhà máy nước hơn 10 cây số. Khi độ mặn quá cao, cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ bị đóng kín, trạm bơm An Trạch không thể cung cấp đủ nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ, 1/3 dân số Đà Nẵng sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Trong khi Công ty Cấp nước Đà Nẵng đang đâu đầu vì nguồn nước thô bị nhiễm mặn thì năm nay, dòng chảy trên các sông Thu Bồn, Vu Gia ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp tìm các giải pháp đảm bảo nguồn nước ngọt cho hạ du của hai địa phương này. Để giải quyết tạm thời tình trạng nước mặn xâm lấn nhà máy nước Cầu Đỏ, ngay trong Tết Nguyên đán,

Dawaco đã xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Theo các chuyên gia thủy lợi, chỉ có giải pháp công trình như xây đập ngăn mặn mới giải quyết triệt để tình trạng khủng hoảng nguồn nước sinh hoạt hiện nay.

Theo thống kê, hiện nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của cả thành phố Đà Nẵng chừng 5m3/1 giây. Trong khi đó, hơn 90% lượng nước ngọt từ sông suối, hồ thủy điện trên sông Vu Gia đổ về Đà Nẵng đều chảy thẳng ra biển.

Xây dựng đập ngăn mặn tại cầu Hòa Xuân để giữ nước ngọt là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết triệt để bài toán thiếu nguồn nước sinh hoạt mà Đà Nẵng đang đối mặt lâu nay.

Xem thêm: lmth.gnort-meihgn-taoh-hnis-coun-ueiht-ceiv-iov-tam-iod-gnan-ad-eh-iot-auhc/883513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chưa tới hè, Đà Nẵng đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools