Trẻ có quyền được tôn trọng đặc điểm nhận diện cá nhân
Luật Trẻ em 2016 quy định: Trẻ có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi, bao gồm cả đặc điểm nhận diện cá nhân. Mọi hành vi đối với trẻ phải phù hợp với độ tuổi, lứa tuổi phát triển của trẻ. Cha mẹ, người giám hộ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ hành vi của mình đối với trẻ.
Chúng ta cần phải xem xét trường hợp trẻ năm tuổi được cha mẹ xăm môi rồi đưa lên Facebook đã phù hợp với độ tuổi, lứa tuổi phát triển của trẻ và vì lợi ích tốt nhất của trẻ ở thời điểm hiện tại, tương lai chưa? Nếu cha mẹ vi phạm phải truy cứu trách nhiệm. Theo tôi, tuy chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi trên của cha mẹ nhưng cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt Luật Trẻ em và các văn bản liên quan để xử lý phù hợp mức độ vi phạm.
Chỉ thị 23/2020 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cũng nhấn mạnh cần xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em kể cả bậc cha mẹ, người chăm sóc hoặc người giám hộ…
Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi). Trên cơ sở này, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nghị định hướng dẫn luật, theo hướng quy định chi tiết các hành vi vi phạm về mặt hành chính, kể cả hành vi vi phạm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người giám hộ để có chế tài phù hợp.
Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH
(VIẾT LONG ghi)
Quyền bảo vệ thân thể trẻ em ở nước ngoài
Ngoại trừ Mỹ, tất cả quốc gia thành viên còn lại của Liên Hợp Quốc đã ký và phê chuẩn công ước về quyền trẻ em. Theo công ước này, các nước cam kết “bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị thương tổn hoặc lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc xao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục”.
Nhiều nước có quy định rõ ràng về việc khởi tố hành vi lạm dụng hoặc bỏ mặc trẻ em. Tuy nhiên, ở mỗi nước, cách diễn giải về các hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi hay hành hạ trẻ em khác nhau.
Tại Thái Lan, theo Đạo luật Bảo vệ trẻ em, các hành vi gây ra nguy hiểm về thể chất hoặc tinh thần cho trẻ em hoặc xúi giục trẻ em thực hiện các hành động có thể gây tổn hại về thể chất hoặc tinh thần cho trẻ bất kể trẻ em có đồng ý hay không đều bị coi là hành hạ trẻ em. Không một ai (kể cả cha mẹ hay người giám hộ) được ép buộc, xúi giục hay sử dụng trẻ em cho các hoạt động thương mại theo cách cản trở sự phát triển hay hành hạ trẻ em. Người vi phạm điều luật này sẽ bị phạt tù không quá ba tháng và/hoặc nộp phạt không quá 30.000 baht (hơn 21,9 triệu đồng).
Nhật quy định “hành hung trẻ em theo cách gây ra hoặc có khả năng gây ra thương tích bên ngoài trên cơ thể trẻ em” là một trong những dạng ngược đãi trẻ em. Người ngược đãi trẻ em sẽ có thể bị tước quyền nuôi dưỡng, hạn chế hoặc cấm liên lạc, tiếp xúc với trẻ trong không quá sáu tháng. Lệnh hạn chế có thể được gia hạn một lần, thêm không quá sáu tháng. Nếu vi phạm lệnh hạn chế này, người ngược đãi trẻ có thể bị phạt tù cải tạo không quá một năm và/hoặc nộp phạt không quá 1 triệu yen (hơn 210,8 triệu đồng).
HOÀN ĐỨC
Xem thêm: lmth.617879-taul-mahp-oc-iout-5-iag-noc-ohc-iom-max-nuhp-ahc/taul-pahp/nv.olp