Sáng nay (14.4), tiếp tục phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).
Dự án do TISCO làm chủ đầu tư, MCC (công ty của Trung Quốc) làm nhà thầu chính thực hiện gói thầu xây dựng (EPC) trọn gói. Sau 11 tháng, MCC rút hết người về nước, không thực hiện hợp đồng, không hoàn thành một hạng mục thi công nào.
Khi đó, ông Trần Trọng Mừng - cựu Tổng Giám đốc TISCO và ông Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT VNS đã chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC.
Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) theo giới thiệu của lãnh đạo Bộ Công Thương trở thành nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC.
Tại toà hôm nay (14.4), đại diện Bộ Công Thương khi trả lời vấn đề liên quan đến VINAINCON cho rằng, văn bản của bộ không chỉ là giới thiệu mà còn là thúc ép tiến độ.
"Bộ Công Thương có thấy trách nhiệm gì khi gián tiếp giới thiệu VINAINCON?" - luật sư hỏi. "Đó chỉ là văn bản giới thiệu, còn quyết định hay không là ở TISCO, VNS" - đại diện bộ này trả lời.
Bị cáo Đặng Văn Tập - cựu Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO - khai rằng, có nhận thông báo của Thứ trưởng Bộ Công Thương từ chủ đầu tư và không nói đến việc dừng.
"Chính vì văn bản 147 này tiếp tục dự án nên chúng tôi mới phải đứng trước toà hôm nay" - bị cáo Tập trình bày.
Theo đó, TISCO đã phải ký với nhà thầu VINAINCON. Bị cáo Tập thấy, một thời gian sau VINAINCON thực hiện yếu kém nên đã có văn bản gửi nhiều nơi, trong đó có Bộ Công Thương. Tuy nhiên, VINAINCON cũng chỉ thi công một số hạng mục rồi dừng.
Cũng theo ông Tập, khi VINAINCON không thực hiện hợp đồng, từ tháng 3.2010, TISCO đã có văn bản gửi lên Bộ Công Thương và sau 12 tháng mới có thêm nhà thầu phụ.
"Việc lựa chọn các nhà thầu phụ là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công" - bị cáo Tập trả lời.
Trong khi đó, đại diện VINAINCON có mặt tại toà cho rằng, hợp đồng là ba bên (TISCO, MCC, VINAINCON) nên xét về trách nhiệm sâu xa, sai phạm là của TISCO và MCC.
Việc tham gia phần C gói thầu, VINAINCON trước đó có văn bản gửi Bộ Công Thương. Theo đại diện, năm 2005-2006, MCC khi tìm kiếm nhà thầu phụ đã đánh giá VINAINCON tốt và còn ký văn bản ghi nhớ: MCC trúng thầu, VINAINCON sẽ là nhà thầu con.
Đại diện này tiếp tục trình bày: VINAINCON xét về thời điểm đó được đánh giá là 1 trong 7 nhà thầu lớn nhất lúc đó ở Việt Nam. Kinh nghiệm thi công với các dự án lớn, VINAINCON trực tiếp tham gia nhiều gói thầu lớn về thi công.
"Vậy sau khi ký có tự thực hiện hợp đồng, hay chia nhỏ cho 29 nhà thầu con khác?" - một luật sư thẩm vấn.
"VINAINCON đã giao cho các đơn vị là công ty thành viên, trực thuộc VINA. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có phần việc VINA phải ký với nhà thầu phụ bên ngoài (3 nhà thầu phụ, trong đó có MCC 11 - đây là hợp đồng kế thừa lại từ TISCO ký với MCC trước đó), tuy nhiên chỉ đạt 8% thi công, phù hợp với quy định Luật đấu thầu" - đại diện VINAINCON trả lời.
Trong sáng nay, ông Hoàng Chí Cường - Tổng Giám đốc VINAINCON - đã có mặt theo triệu tập của toà. Ông Cường trình bày, khi tham gia dự án với tư cách nhà thầu phụ, thấy mức giá phù hợp mới tham gia.
Chiều nay, toà tiếp tục làm việc.