Những dấu hiệu bất thường
Thay vì có màu nâu và chứa đầy phù sa tốt cho sự sống, dòng sông lại nông đến mức có thể nhìn thấy các dải cát - một dấu hiệu đáng ngại đối với lúa, cây cao su, cà chua và nhiều loại cây trồng, canh tác khác ở các vùng hạ lưu, vốn phụ thuộc vào chu kỳ lũ lụt tự nhiên của sông để sinh trưởng và phát triển.
Theo Ủy hội sông Mekong, một tổ chức liên chính phủ với chức năng cơ bản là điều phối các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến sông Mekong, mực nước thấp đến mức đáng lo ngại như vậy là do lượng mưa giảm, các con đập được xây dựng trên sông và đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã hạn chế dòng chảy của sông.
Những con đập trên thượng nguồn được cho là một trong những nguyên nhân gây cạn kiệt hạ lưu sông Mekong. |
Trong những năm gần đây, các hình thái thời tiết khắc nghiệt - hạn hán nghiêm trọng và mưa lớn - ngày càng gia tăng do các đập thủy điện, đặc biệt là ở thượng nguồn sông Mekong, đã tàn phá khu vực đất liền của Đông Nam Á, nơi sinh kế của khoảng 70 triệu người phụ thuộc vào dòng chảy của nó. Chỉ riêng tại hạ nguồn sông Mekong là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính người nông dân Việt Nam đã phải chịu thiệt hại hơn 1 tỷ USD do các trận hạn hán lịch sử vào những năm 2015-2016 và 2019-2020.
Hạn hán và nạn phá rừng cũng đe dọa sự tồn tại của Biển Hồ ở Campuchia: Mực nước hồ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020, làm giảm trữ lượng cá và đe dọa sinh kế cũng như an ninh lương thực của hàng triệu người sống dựa vào nguồn thủy sản này.
Không chỉ về thiệt hại sinh thái, người ta cũng lo ngại hơn về tình trạng Trung Quốc nắm quyền kiểm soát chiến lược đối với các nước vùng hạ lưu sông Mekong thông qua việc kiểm soát thượng nguồn con sông và 11 đập khổng lồ của họ. Trong cuốn sách “Sống dưới bóng rồng” (2020), Sebastian Strangio, nhà báo người Thái Lan chuyên phụ trách khu vực Đông Nam Á đã mô tả quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với thượng nguồn sông Mekong “giống như cái van đóng xả”.
Cuộc chơi của các nước lớn?
Một Trung Quốc cố tình lưu trữ nước vì lợi ích địa chính trị hay đó là một trò chơi kinh tế độc lập của các nhà quản lý đập nước này với mong muốn tối đa hóa lợi nhuận? Dù câu trả lời là gì thì các nước hạ lưu sông Mekong ít nhất cũng đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn gây ra.
Trong một sự kiện tại Trung tâm Đông Tây, ông Atul Keshap, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Rõ ràng là các con đập ở thượng nguồn đang giữ nước nhưng lại hạn chế trong công tác điều phối hoặc cảnh báo. Điều này làm trầm trọng thêm những thách thức an ninh nguồn nước mà các cộng đồng sông Mekong đang phải đối mặt”. Ông này cũng cho rằng các nhà điều hành các con đập ở thượng nguồn cần phải minh bạch hơn và tham khảo ý kiến của các nước láng giềng ở hạ lưu.
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đã triển khai dự án Giám sát đập Mekong vào tháng 12-2020. Đây là một nền tảng trực tuyến sử dụng dữ liệu được thu thập hằng tuần để tiến hành phân tích 26 con đập trên dòng chính và các nhánh của sông Mekong, trong đó có 11 con đập ở Trung Quốc. Dự án này do Eyes on Earth và Trung tâm Stimson điều hành và được tài trợ một phần bởi nhóm Đối tác Mekong - Mỹ, bao gồm Mỹ, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.
Theo Brian Eyler, mặc dù không đưa ra được bằng chứng về việc Trung Quốc có thao túng dòng chảy của sông hay không nhưng dự án này đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng các con đập của họ đã làm giảm tình trạng hạn hán ở khu vực hạ lưu. Trong một bài bình luận trên trang mạng của Trung tâm Stimson, Brian Eyler cho hay 11 đập của Trung Quốc hiện được điều phối và vận hành theo hướng tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh phía Đông của Trung Quốc mà không xem xét đầy đủ đến các tác động đối với khu vực hạ lưu.
Cần giải pháp đa phương
Mỹ được cho là đang tăng cường can dự với các nước hạ lưu sông Mekong thông qua Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ, được khởi động vào tháng 9 năm ngoái và được xây dựng dựa trên cơ sở sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong do Mỹ đề xuất và triển khai từ năm 2009.
Tại thời điểm ra mắt dự án vào năm 2020, Mỹ đã công bố dành hơn 150 triệu USD cho khu vực sông Mekong, bao gồm 52 triệu USD cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, 55 triệu USD để chống tội phạm xuyên quốc gia, 33 triệu USD cho các hệ thống năng lượng đáng tin cậy và 6,6 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng.
Xét về vốn, Trung Quốc đang vượt xa Mỹ sau khi tuyên bố vào năm 2016 rằng sẽ dành 300 triệu USD để hỗ trợ các dự án hợp tác quy mô vừa và nhỏ do 6 quốc gia trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương đề xuất. Các dự án này giúp đào tạo lao động ngành nông nghiệp và phát triển thương mại điện tử ở các vùng nông thôn và các khu kinh tế xuyên biên giới.
Theo các nhà phân tích, đây không phải là cuộc chơi “được mất ngang nhau” của các nước lớn mà điều quan trọng là giữa cuộc cạnh tranh chiến lược này, cả hai cường quốc đều không được bỏ lơ mong muốn của Đông Nam Á về một cơ chế quản lý xuyên biên giới hiệu quả hơn đối với sông Mekong và các giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực này.
Huy Thông (Tổng hợp)Xem thêm: /665536-gnokeM-gnos-eohk-cus-ev-oab-hnac-ioL/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna