vĐồng tin tức tài chính 365

Phòng cháy từ thiết bị điện

2021-04-15 10:12
Phòng cháy từ thiết bị điện - Ảnh 1.

Câu mắc điện không an toàn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra cháy nổ - Ảnh: EVN

Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07 - Công an TP.HCM) cho biết 70% vụ cháy nổ trong năm 2020 liên quan tới chập điện. Nhiều vụ cháy xuất phát từ việc lựa chọn thiết bị điện trôi nổi, không kiểm tra, bảo trì hệ thống điện thường xuyên hay thói quen dùng điện không an toàn.

Trong những đợt khảo sát các khu dân cư, chung cư cũ cùng Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam, chúng tôi không khỏi rùng mình trước hệ thống điện mà người dân tự đấu nối. Những đường dây điện chằng chịt như mạng nhện chạy dọc tường nhà và tiếp xúc gần các vật liệu dễ cháy "chờ chực" bốc hỏa bất cứ lúc nào. 

Khi được hỏi về kiến thức phòng chống cháy nổ, nhiều người dân tỏ ra chủ quan khi cho hay "quen sử dụng như vậy nhưng chưa gặp sự cố gì".

Đủ loại nguy cơ gây cháy nổ

Theo ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (phụ trách 21 tỉnh thành phía Nam), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ trong gia đình. Có những nguyên nhân rất đơn giản, xuất phát từ những thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới. 

Trong đó thường gặp nhất là sự cố từ thiết bị và bất cẩn trong sử dụng điện: quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; các bà nội trợ dùng bàn ủi để ủi đồ nhưng quên tắt gây cháy quần áo; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà...

Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc thờ cúng, nếu không cẩn thận có thể gây sự cố cháy nổ. Ở đô thị người dân thường thay thế nến, nhang truyền thống bằng các bóng đèn điện hoặc những cây nhang điện. Các thiết bị này thường hoạt động ngày đêm dẫn tới quá tải và chập cháy.

Ông Luân Quốc Hưng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - nhận định có ba cụm nguyên nhân chính gây ra cháy nổ, mất an toàn điện. Đầu tiên là hệ thống dây dẫn điện trong nhà không phù hợp do lắp đặt thêm nhiều thiết bị điện so với thiết kế ban đầu, kéo dây trực tiếp không luồn trong ống bảo vệ, dây dẫn bị cũ, lâu năm. 

Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát công suất cao, thời gian sử dụng kéo dài dẫn đến quá tải, dây dẫn bị nóng quá mức, nguy cơ gây ra chập, cháy. Thứ hai là sử dụng thiết bị bảo vệ không phù hợp với phụ tải, thiết bị bảo vệ (cầu dao, cầu chì) hư hỏng, đấu tắt không qua thiết bị bảo vệ.

"Nguyên nhân cuối cùng thuộc về thói quen sử dụng điện của người dân như đặt các thiết bị sử dụng điện có phát nhiệt cao (bàn ủi, bếp điện, lò nướng...) gần vật liệu dễ cháy, sử dụng chung một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện (tivi, quạt điện, tủ lạnh, bàn ủi...), không dùng phích cắm mà cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện, băng cách điện mối nối sơ sài hoặc sử dụng bao nilông thay cho băng keo cách điện, dùng dây điện sử dụng trong nhà để kéo ngoài trời", ông Hưng cho biết.

Vào cao điểm nắng nóng hằng năm các vụ cháy nổ liên tục xảy ra, cơ quan chức năng liên tục phát các cảnh báo và đưa ra hướng dẫn phòng chống cho người dân. Trong đó việc lựa chọn thiết bị điện tốt, dây dẫn phù hợp là phương án tối ưu nhất để đề phòng cháy nổ từ "trứng nước".

Phòng cháy từ thiết bị điện - Ảnh 2.

Một cửa hàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM tư vấn cho khách hàng dùng bóng đèn LED tiết kiệm điện và tính an toàn cao - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ưu tiên sử dụng thiết bị điện chịu nhiệt

Theo đánh giá của các chuyên gia về điện, các vụ cháy do chập điện thường chỉ xảy ra trong tích tắc. Chập điện gây ra các tia lửa điện làm các thiết bị điện bị bắt lửa rồi cháy lan ra các vật liệu khác trong nhà. 

Nếu ngay từ đầu người dân dùng các thiết bị điện chịu được nhiệt độ cao thì đã giảm bớt được mầm mống các đám cháy. Khi có mùi khét do các thiết bị này chảy ra, người dân sẽ kịp phát hiện trước khi ngọn lửa bùng lên.

Theo bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê - giám đốc điều hành khối dịch vụ Công ty Điện Quang, cần phải chú ý ngay từ khâu lựa chọn thiết bị điện để thi công nhà cửa. Khi lựa chọn sử dụng những thiết bị điện thuộc thương hiệu lớn, uy tín không chỉ đảm bảo an toàn về điện mà còn tiết kiệm điện, hiện đại nhưng không hại điện. 

Người dân nên chọn các thiết bị điện hoặc gia dụng làm bằng nhựa chống cháy, nhựa chịu nhiệt hay các sản phẩm có những tính năng an toàn, ngắt điện khi có sự cố xảy ra.

"Ngoài lựa chọn thiết bị điện tốt, người dân cần thay đổi hành vi sử dụng thì mới mang lại hiệu quả cao. Người dân nên sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu. 

Cụ thể, hãy tắt hết các thiết bị điện trong nhà, văn phòng, nhà máy... khi không có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí điện và giảm nguy cơ các sự cố điện có thể xảy ra. Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để hạn chế việc sử dụng điện", bà Quỳnh nói.

Một yếu tố mà ít người chú ý là vấn đề dây dẫn. Người dân thường theo thói quen mua dây điện về đấu nối và nghĩ rằng dây nào cũng vậy, không quan tâm tới các thông số. Việc này ngoài gây lãng phí còn có thể gây cháy nổ nếu lựa phải loại dây kém chất lượng. 

Ông Nguyễn Tùng Minh - giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) - cho biết khi lựa chọn dây cáp điện để thi công nhà cửa, các công trình, chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố như điều kiện và phương pháp lắp đặt, điện áp, dòng điện định mức, chiều dài đi dây, độ sụt áp trên đường dây. Người dân nên lựa chọn các loại dây dẫn có thương hiệu, thông số rõ ràng để đảm bảo an toàn.

Ông Minh dẫn chứng đối với các loại dây trôi nổi ruột dẫn điện không đạt chất lượng (đồng kém chất lượng, nhiều tạp chất, tiết diện thiếu...), dễ bị oxy hóa, gãy đứt, khó uốn - đấu nối, dễ bị bung trong quá trình lắp đặt, nhất là công trình âm tường, điện trở ruột dẫn lớn, tăng sụt áp trên đường dây, gây tổn thất điện năng, hư hỏng thiết bị điện. 

Đồng thời khả năng chịu dòng điện nhỏ hơn quy định sẽ dẫn tới việc phát nóng làm lão hóa lớp cách điện gây chạm chập, cháy nổ, dây bị võng, bị giãn khi treo trên cột.

"Đặc biệt tôi thấy nhiều dây dẫn có lớp cách điện không đạt chất lượng (nhựa tái sinh, nhựa chất lượng kém...) gây nứt khi uốn, lắp đặt âm tường và giòn nứt làm hở ruột dẫn gây nguy hiểm cho con người. Lúc này nguy cơ chạm chập, cháy nổ rất dễ xảy ra", ông Minh nói.

Qua những đánh giá của cơ quan chức năng, có thể thấy việc lựa chọn những thiết bị điện an toàn, đấu nối dây dẫn đúng nguyên tắc, tập thói quen sử dụng điện an toàn rất quan trọng. Làm được những việc này người dân đã đặt được nền móng bảo vệ an toàn cho gia đình mình.

Gặp sự cố điện, gọi ai?

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, khi gặp sự cố mất điện, sự cố mất an toàn điện, khách hàng ở 21 tỉnh thành phía Nam có thể liên hệ ngành điện qua số tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Nam 19001006 hoặc 19009000. Còn tại TP.HCM, ngoài tổng đài 1900545454, người dân có thể cài đặt ứng dụng "EVNHCMC CSKH" trên thiết bị di động.

Đây là một kênh tương tác tiện dụng khác dành cho khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Sau khi cài đặt, khách hàng tra cứu các thông tin hoặc đăng ký dịch vụ điện nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, khách hàng có thể cài đặt ứng dụng Zalo để có thể truy cập vào trang EVNHCMC trên Zalo tra cứu các thông tin hoặc đăng ký dịch vụ điện tương tự như sử dụng ứng dụng "EVNHCMC CSKH" trên thiết bị di động.

Sử dụng điện mùa nắng nóng: an toàn và tiết kiệm

Đây là chủ đề của hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức lúc 9h ngày 15-4 tại khách sạn REX (141 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Làm sao sử dụng điện tiết kiệm mà vẫn hiệu quả? Lựa chọn thế nào trước các quảng cáo tràn lan về thiết bị tiết kiệm điện? Sử dụng điện sao cho an toàn, phòng chống cháy nổ?

Những vấn đề này sẽ được đại diện khoa điện Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang... giải đáp tại hội thảo.

QUANG ĐỈNH

Cảnh giác với Cảnh giác với 'bà hỏa' mùa nắng nóng

TTO - Trong vòng chưa đầy 1 tuần (từ 25 đến 31-3), tại TP.HCM đã xảy ra tới 4 vụ cháy, trong đó có nhiều vụ cháy để lại hậu quả nặng nề khiến 3 - 6 người trong gia đình tử nạn và hàng chục phương tiện, vật dụng khác bị thiêu rụi.

Xem thêm: mth.56520809051401202-neid-ib-teiht-ut-yahc-gnohp/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phòng cháy từ thiết bị điện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools