Lãi suất tăng thu hút dòng tiền
Chị Hoàng Nhung (Quận 6, TP.HCM) cho hay, với sổ tiết kiệm trị giá hơn 2 tỷ đồng thời hạn 6 tháng vừa đáo hạn, chị đã quyết định tái tục và nâng thời gian gửi lên 1 năm, với mức lãi suất được hưởng cuối kỳ là 9,5%/năm.
Theo chị Nhung, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư chưa có dấu hiệu hồi phục và các dự báo cho thấy kinh tế năm 2023 vẫn còn khó khăn, nên chị đã quyết định gửi tiền vào ngân hàng với kỳ hạn dài hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đến cuối tháng 12/2022 tăng khoảng 6%. Con số này cao hơn những tháng trước, cho thấy dòng tiền gửi tiết kiệm đã quay trở lại hệ thống ngân hàng, sau khi lãi suất huy động tăng mạnh.
Trước đó, tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng quý III/2022 giảm 0,4% do tiền gửi của nhóm doanh nghiệp giảm 66.500 tỷ đồng, trong khi tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 19.000 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi đạt hơn 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 4,39% so với đầu năm, với động lực chính đến từ tiền gửi của dân cư tăng 6,78%, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng 2,15%.
Nhìn chung, tiền gửi có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây, do lãi suất huy động trên thị trường tăng khá mạnh kể từ cuối tháng 9/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng dần lên hơn 10%/năm.
Tuy có diễn biến tích cực trong những tháng cuối năm 2022, nhưng mức tăng 6% của huy động vốn cho cả năm vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước: năm 2021 tăng 9,24%, năm 2020 tăng 13,96%, năm 2019 tăng 13,92%.
Sau thời gian đua nhau tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền từ tháng 10 đến giữa tháng 12/2022, đà tăng hiện có dấu hiệu chững lại, nhất là khi Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan quản lý ngành ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ cho những nhà băng gặp khó khăn về thanh khoản.
Thế nhưng, do áp lực thanh khoản cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất huy động vẫn cao.
Trong khi đó, nhiều kênh đầu tư khác chưa thoát khỏi tình trạng trầm lắng, nên nhiều người chọn gửi tiền vào ngân hàng. Thực tế, dòng tiền nhàn rỗi của người dân có động thái chuyển sang gửi tiết kiệm từ quý III/2022 đến nay, thay vì đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... như 2 năm qua, kéo theo tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng cải thiện dần.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Maybank Investment Bank nhận định, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm 2023.
Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, song theo giới phân tích, lộ trình thực hiện giảm lãi suất nhiều khả năng cần thêm thời gian, nhất là khi thanh khoản một số ngân hàng nhỏ vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, ở thời điểm này, tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Dự báo, đến quý III/2023, lãi suất huy động mới hạ nhiệt. Khi đó, chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn giới đầu tư hơn, với vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc trở lại, giúp thị trường sôi động.
Vẫn “lệch pha” lớn so với tín dụng
Dòng tiền nhàn rỗi của người dân có động thái chuyển sang gửi tiết kiệm từ quý III/2022 đến nay, thay vì đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... như 2 năm qua
Giới phân tích tài chính nhận xét, năm 2022, mức tăng trưởng huy động vốn từ doanh nghiệp liên tục suy giảm. Huy động vốn từ dân cư cải thiện trong nửa đầu năm, nhưng không thay đổi quá nhiều. Tốc độ tăng cung tiền tính đến cuối tháng 6/2022 chỉ tăng 3,2% so với đầu năm 2022 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền giai đoạn 2013 - 2021.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm gồm sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.
Mặc dù tăng trưởng trở lại, song tăng trưởng huy động cũng chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021 và tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tăng 14,5%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với cuối năm 2021, với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Riêng địa bàn TP.HCM, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho hay, năm 2022, huy động vốn trên địa bàn Thành phố ước tính tăng 6%, còn dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm 68 - 70% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh ưu tiên được triển khai xuyên suốt, lãi suất tối đa là 5,5%/năm, dư nợ cho vay ngắn hạn hiện đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm và có tình trạng ngân hàng huy động 100 đồng, cho vay đến 90 đồng, dễ dẫn đến rủi ro thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10/2022, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động của nhiều ngân hàng tăng làm gia tăng áp lực cho các nhà băng trong thời điểm thị trường đang khát vốn. Chênh lệch tín dụng và huy động âm cộng với nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán tăng cao thời điểm cuối năm khiến cuộc đua thu hút vốn nhàn rỗi thông qua nâng lãi suất huy động tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Trần Ngọc Báu nhìn nhận, lãi suất hiện đã tạo đỉnh, áp lực thanh khoản có thể sẽ sớm giảm. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng bắt đầu hạ xuống từ quý II/2023.
Theo ông Báu, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt tiền tệ nhanh và mạnh trong năm 2022 đã tạo ra không ít áp lực lên Việt Nam, nhất là về tỷ giá, lãi suất và thanh khoản. Năm 2023, nhiều người lo ngại lạm phát sẽ tăng cao, song ông Báu cho rằng, đỉnh điểm của lạm phát sẽ là đầu năm 2023 và giảm dần về cuối năm. Đó là tiền đề để hỗ trợ cho một giai đoạn thanh khoản mở rộng trong năm mới, tỷ giá cũng sẽ vơi bớt áp lực.