vĐồng tin tức tài chính 365

Việt Nam có cần nhập thêm ít nhất 600.000 tấn đường?

2023-08-29 05:59

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT xem xét kiến nghị của Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM về việc cần nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VN), xung quanh vấn đề này.

Thị trường mía đường đang ổn định

. Phóng viên: Mới đây ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với mức tối thiểu 600.000 tấn. Xin ông chia sẻ thêm về kiến nghị này?

+ Ông Nguyễn Văn Lộc (ảnh):Theo một số thông tin trong kiến nghị của ngành thực phẩm, hiệp hội nhận thấy một số thông tin chưa đầy đủ.

Việt Nam có cần nhập thêm ít nhất 600.000 tấn đường?  ảnh 1

Chẳng hạn, ngành thực phẩm dẫn số liệu ước tính của một cơ quan của nước ngoài ước tính số lượng tiêu thụ đường của VN khoảng 2,389 triệu tấn, số liệu này nên chăng chỉ mang tính tham khảo.

Để có số liệu chính xác toàn cảnh thị trường, tôi cho rằng cần sự đánh giá của các cơ quan quản lý. Quan điểm của Hiệp hội Mía đường VN là khi xét trên tất cả nguồn cung đường, Nhà nước cần xem xét một cách cẩn trọng dựa trên các nguồn dữ liệu chính xác. Từ đó đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước được hài hòa giữa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

. Ngành thực phẩm cho rằng chính các nhà máy thiếu nguyên liệu mía để sản xuất. Việc nhập khẩu đường giúp các nhà máycó thêm nguồn đường luyện ngoài vụ để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Thực tế thế nào, thưa ông?

+ Đối với nguyên liệu mía, những năm trước đây VN bị đường trợ cấp phá giá của Thái Lan tràn vào dưới các hình thức chính ngạch; hay đường nhập lậu cũng đã dìm giá đường sản xuất trong nước dưới giá thành mía. Do đó, các nhà máy thu mua mía theo giá thị trường nên người trồng mía lỗ, bỏ ruộng dẫn đến 16 nhà máy không có nguyên liệu mía, buộc phải đóng cửa.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường Thái Lan (năm 2021). Điều này đã giúp ngành mía đường trong nước phục hồi trở lại.

Cụ thể, ngành đường VN đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023 trong tháng 6. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935,104 tấn đường các loại. So với cùng kỳ 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%; so với cùng kỳ 2020-2021, sản lượng mía ép đạt 143% và sản lượng đường đạt 136%.

Việt Nam có cần nhập thêm ít nhất 600.000 tấn đường?  ảnh 2

Bảy tháng đầu năm 2023, Việt Nam sản xuất được 935,104 tấn đường các loại. Ảnh: T.UYÊN

Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường VN đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà Nhà nước đã áp dụng từ năm 2021.

Năm 2023, trong bối cảnh giá đường thế giới liên tục tăng, diễn biến giá đường VN trong bảy tháng đầu năm so với các nước lân cận cho thấy giá đường VN luôn ở mức thấp nhất (hơn 20.000 đồng/kg). Như vậy, diễn biến thị trường đường VN là lành mạnh, giá cả không có dấu hiệu bất thường.

Nguồn cung đường thô đang có sẵn

. Nếu thị trường đường VN không có gì bất thường, vì sao ngành thực phẩm khó mua đường nguyên liệu trong nước, thưa ông?

Đối với thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đường, theo dữ liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, lượng đường nhập khẩu từ Ấn Độ năm 2022 chỉ chiếm 0,16% tổng lượng đường nhập khẩu. Do đó, khi nước này cấm xuất khẩu đường sẽ không tác động lớn đến ngành mía đường trong nước.

Ông NGUYỄN VĂN LỘC

+ Hiện nay cơ cấu của 24 nhà máy sản xuất đường từ mía chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của thị trường nội địa. Các nhà máy sản xuất đường mía tại VN không có mục đích sản xuất cung cấp đường thô.

VN đã cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1-1-2020. Với hiệp định này, DN có thể nhập khẩu đường không hạn chế số lượng từ các nước ASEAN. Theo đó, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng đường thô nhập khẩu đã gia tăng rất lớn.

Gần đây nhất, ngày 3-8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1989 về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo quyết định này, chín DN đường mía Thái Lan được giảm thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào VN.

Cụ thể, có bốn DN sản xuất, xuất khẩu đường mía Thái Lan thông qua hai DN thương mại được giảm xuống mức thuế 32,75%; năm DN sản xuất, xuất khẩu đường mía Thái Lan thông qua một DN thương mại khác được giảm thuế còn 30,38%.

Như vậy nguồn cung nhập khẩu đường thô đang sẵn có và việc yêu cầu nhập đường theo hạn ngạch thuế quan chỉ là tìm nguồn đường có mức thuế ưu đãi hơn.

. Theo kiến nghị, việc bổ sung nhập đường theo hạn ngạch thuế quan và tiến hành đấu giá sẽ không ảnh hưởng đến người trồng mía… Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

+ Hiện nay quy định hiện hành về đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đã bộc lộ một số bất cập. Hiệp hội sẽ nghiên cứu và đề xuất ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó đảm bảo việc đấu giá được thực hiện phù hợp với quy định của các luật quản lý ngoại thương, quản lý cạnh tranh, đấu thầu và các cam kết quốc tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

. Niên vụ 2023-2024, ngành đường đảm bảo cung ứng cho thị trường thế nào, thưa ông?

+ Niên vụ sắp tới vùng nguyên liệu mía dự kiến của VN đạt 160.000 ha, tăng 112% so với niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng El Nino, biến đổi khí hậu có thể sản lượng mía giảm nên chúng tôi dự kiến sản lượng đường chỉ tăng 109% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, để ngành mía đường VN phát triển bền vững, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các bên trong chuỗi liên kết sản xuất. Từ đó đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, minh bạch.

. Xin cảm ơn ông.

Nhập đường để đảm bảo cân đối cung cầu

Theo công văn của Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, lượng đường sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được bốn tháng nhu cầu tiêu dùng.

Song song đó, dự báo lượng đường nhập khẩu chính ngạch của VN năm 2023 khoảng 319.070 tấn. Trong đó nhập khẩu đường trắng, đường thô ngoài hạn ngạch thuế quan là 200.000 tấn. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cam kết WTO dự kiến 119.000 tấn.

Tổng lượng đường sản xuất trong nước và đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023.

Để giải quyết tình trạng trên, Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

TÚ UYÊN

Xem thêm: lmth.729847tsop-gnoud-nat-000006-tahn-ti-meht-pahn-nac-oc-man-teiv/nv.olp

“Việt Nam có cần nhập thêm ít nhất 600.000 tấn đường?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools