Tọa độ cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L. ĐIỀN
Mặc dù nguyên tác tiếng Pháp của Jacques Dournes được xuất bản từ năm 1972, đây là lần đầu tiên tác phẩm Tọa độ được dịch sang tiếng Việt.
Câu chuyện về bản dịch này bắt đầu từ một mối duyên khi dịch giả Nguyễn Phương Chi vào năm 2017 tham gia chuyến đi của CUCA Art Tour về với Tây Nguyên trong dự định tìm hiểu thêm về văn minh Chăm và Phù Nam.
Trong một tình cờ phát hiện mấy dòng giới thiệu lược sử giáo xứ Phú Bổn và hành trạng cha Đuốc (tên thân thương của Jacques Dournes), đã khiến trưởng đoàn Art Tour và dịch giả Nguyễn Phương Chi quyết định dịch quyển Coordonnées: Structures Jörai Familiales et Sociales, cũng là quyển sách quan trọng của Jacqes Dournes cho đến lúc đó vẫn chưa được Việt dịch.
Sẽ hiếm có nhà dân tộc học nước ngoài nào có được tinh thần làm việc và tình yêu các tộc người Tây Nguyên như Jacques Dournes.
Không chỉ quá trình gắn bó trường kỳ 9 năm sống với người Srê và ngót 11 năm sống với người Jarai, còn ông được những người dân tộc thiểu số yêu quý, chia sẻ hết mình những suy tư và tình cảm xung quanh nhịp điệu cuộc sống thường ngày.
Quan trọng hơn cả là tình cảm của Jacques Dournes dành cho người dân tộc. Ông đặt ra mục tiêu xác định "tọa độ" xã hội của người Jarai để nhận diện đúng bản nguyên, căn cốt hay căn cước riêng của họ giữa thế giới này. Ông thông thạo tiếng Jörai, "có thể còn hơn cả người Jörai chính cống".
Chính nhờ khả năng ngôn ngữ ấy, Jacques Dournes đến với người Jarai là để lắng nghe, trong những câu chuyện thường ngày, trong những bài khấn, trong lời kể chuyện Akhan hằng đêm và cả trong lúc họ nói nhịu, nhớ nhầm...
Ở Tọa độ, bạn đọc sẽ được Jacques Dournes chỉ dẫn những đường hướng tiếp cận không gian sống và mô hình gia đình/ xã hội của người Jarai. Jacques Dournes trình bày vừa như đặt ra trước mắt độc giả một sa bàn, lại vừa như đẩy người đọc vào từng không gian sống của người Jarai để nghe tiếng vang của từng câu chuyện.
Người đọc thấy mình được chia sẻ những cách hiểu: tọa độ nổi và tọa độ ngầm, cấu trúc và cuộc sống, và cả các tọa độ tưởng tượng...
Đặc biệt trong phần nghiên cứu về phả hệ và lịch sử cư trú, Jacques Dournes hệ thống các quan niệm về sự xuất hiện người Jarai, với các khái niệm "các bộ đôi sáng lập" và "những cặp đôi khai minh" cho thấy ông có độ nhạy tinh tường và sự mẫn cảm đắt giá để hiểu thấu sự tồn tại không gian sống của người Jarai ở trong chính đời sống tinh thần của họ.
Một số tác phẩm của Jacques Dournes (1922 - 1993) về Tây Nguyên được dịch và ấn hành tại Việt Nam như: Rừng, Đàn bà, Điên loạn; Pötao, một lý thuyết về quyền lực của người Jörai Đông Dương; Xứ Jörai; Miền đất huyền ảo; Tọa độ: cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai.
TTO - Voi Yă Tâu - nàng voi cô đơn trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên - đã chết sau gần 30 năm không thấy đồng loại ở núi rừng Gia Lai.