Dự án toà tháp 68 tầng trụ sở chính VietinBank tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội) dù được khởi công 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Nay dự án đã có 2 nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh tiếp cận.
Ngày 16.4, phát biểu trước cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Vietinbank công bố 3 phương án tái cơ cấu Dự án VietinBank Tower.
“VietinBank ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản/Dự án và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở ngân hàng. Tính đến hết Quý I/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới Dự án, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định Dự án. Đã có 2 nhà đầu tư có đề xuất tài chính sơ bộ và có một số nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính”, ông Lê Đức Thọ nói.
Trong quá trình tìm đối tác chuyển nhượng, VietinBank tiếp tục triển khai đầu tư dự án, xử lý phù hợp những công việc phát sinh, thúc đẩy tiến độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank.
Thực hiện chủ trương của ĐHĐCĐ và các nội dung chỉ đạo của NHNN, VietinBank đã thành lập, kiện toàn Ban Dự án, Ban chỉ đạo Dự án, Hội đồng chuyển nhượng Dự án, Tổ công tác đặc biệt của HĐQT về Dự án để thực hiện phương án tái cơ cấu Dự án cũng như duy trì thi công trên công trường.
Để duy trì thi công trên công trường nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh để phục vụ phương án tái cơ cấu Dự án, HĐQT đã ban hành các nghị quyết cơ cấu lại ngân sách của Dự án để duy trì thi công trên công trường và điều chỉnh thời hạn thực hiện (tiến độ tổng thể) của Dự án đến Quý I/2025.
“Để thực hiện phương án tái cơ cấu Dự án, HĐQT đã phê duyệt nhiều nghị quyết nhằm chỉ đạo việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lô đất TM01 của Dự án và thuê các đơn vị tư vấn luật, thẩm định giá, tài chính) để tư vấn cho VietinBank trong quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu Dự án. Đồng thời, VietinBank cũng tổ chức mời các nhà đầu tư tiềm năng để thẩm định Dự án nhằm đánh giá nhu cầu, điều kiện của các nhà đầu tư phục vụ việc xây dựng phương án, quy trình chuyển nhượng phù hợp với thực tế của Dự án, thông lệ thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật”.
Theo ông Lê Đức Thọ, có những lý do khiến mục tiêu tái cơ cấu Dự án chưa đạt được đúng thời hạn được ĐHĐCĐ phê duyệt (đến hết 31.12.2020).
“Nguyên nhân chính là năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới gián đoạn quá trình làm việc với các nhà đầu tư; đồng thời làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hoạt động thương mại, hội nghị, hội họp... dẫn tới sự điều chỉnh về chiến lược, phương thức và kế hoạch đầu tư của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại...
Vì vậy, VietinBank cần thêm thời gian để có thể hoàn thành được phương án tái cơ cấu Dự án. Ngoài ra, VietinBank cũng có kế hoạch xây dựng các phương án dự phòng.
Cách đây hơn 10 năm, Vietinbank đã tổ chức Lễ khởi công động thổ xây dựng công trình Tòa nhà Trụ sở chính - Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Tower) tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỉ đồng và được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng.
Trên thực tế, đây vốn là một "dự án treo" mà báo chí đã phản ánh trước khi Lễ khởi công hơn 10 năm trước được tổ chức. Sau hơn 10 năm kể từ Lễ khởi công, đến nay, hình hài của dự án Vietinbank Tower vẫn chỉ là công trình dở dang, hoang phế.