vĐồng tin tức tài chính 365

Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến... chuối chiên

2021-04-17 06:58
Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến... chuối chiên - Ảnh 1.

Đông đảo shipper xếp hàng mua chuối chiên giao cho khách hàng (ảnh chụp ở chợ Cũ, đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Với nhu cầu đặt đồ ăn uống, mua sắm qua mạng của người dân ngày càng tăng mạnh, ngoài yếu tố khuyến mãi thì tốc độ giao nhận hàng trở thành trọng điểm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Những giờ ăn trưa ở các thành phố lớn như TP.HCM luôn chứng kiến sự tấp nập của đội ngũ shipper (giao hàng) đồ ăn, thức uống ngay trước các công ty, tòa nhà cho thuê. Dịch bệnh COVID-19 và thời tiết không mấy dễ chịu, chợt mưa rồi chợt nắng đổ lửa, khiến xu hướng đặt mua đồ ăn qua mạng tăng mạnh.

Ăn uống phải giao ngay

Thường xuyên đặt đồ ăn, thức uống qua mạng, chị Ngọc Mai - nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1 - cho biết nhờ dịch vụ này mà chị và các đồng nghiệp không phải mất thời gian đi đến các quán ăn, chờ phục vụ. Thay vào đó, chị được thoải mái ăn uống ở công ty với máy lạnh mát mẻ, thêm thời gian nghỉ ngơi giữa trưa.

Anh Lê Minh Thuận, chủ chuỗi cửa hàng Bún cay Thái 2 Thuận, cho biết hơn 70% đơn hàng của quán đến từ ứng dụng. Tuy nhiên, do không thể chủ động quản lý đơn hàng, dẫn đến tình trạng khi thừa khi thiếu.

Cánh shipper cũng có nỗi "thống khổ" riêng với giao hàng đồ ăn uống. Anh Đình Khánh (H.Hóc Môn) cho biết mệt mỏi nhất khi nhận đơn giao đồ ăn là nhiều khi phải đợi chờ rất lâu ở các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Lúc cao điểm hoặc đắt hàng là cánh tài xế đứng xếp hàng dài cổ.

"Khách hàng chờ lâu khó chịu một, chúng tôi xếp hàng chờ nhận món đi giao mệt mỏi mười. Giá như hãng có công nghệ hay tính năng gì đó giúp các cửa hàng chuẩn bị đồ ăn, thức uống nhanh hơn, chúng tôi đến là có thể lấy hàng đi giao ngay thì quá tốt. Khách hàng vui vì đồ giao nhanh, chúng tôi đỡ mệt vì không phải chờ, lại có thể thực hiện thêm nhiều đơn hàng", anh Khánh nói.

Chạy đua công nghệ phục vụ thực khách

Giao hàng nhanh đang là cuộc đua căng thẳng của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cung cấp các dịch vụ liên quan, nhất là các ông lớn công nghệ. Chẳng hạn, vào đầu tháng 3 vừa qua, Gojek công bố hoàn thành triển khai ứng dụng GoBiz quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng với nhiều tính năng giúp tối ưu hóa quy trình giao đồ ăn trực tuyến.

Theo đó, thông qua GoBiz, người phụ trách nhà hàng, quán ăn có thể chủ động cập nhật thực đơn, tình trạng món ăn dựa trên thực tế nhà hàng tại từng thời điểm, dễ dàng chấp nhận hoặc thông báo hết hàng ngay khi nhận được đơn đặt hàng của khách hàng, đồng thời sắp xếp chuẩn bị đồ ăn để sẵn sàng ngay khi tài xế đến nhận hàng.

Grab VN cũng vừa nâng cấp công nghệ và cải thiện các tính năng nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng dịch vụ duyệt, đặt hàng và đợi giao đồ ăn GrabFood. Người dùng sẽ có 5 lựa chọn đặt món ăn khác nhau như: giao hàng theo yêu cầu, tự đến lấy đồ ăn, hẹn giờ giao đồ ăn, đặt hàng theo nhóm, kết hợp các món ăn.

Đặc biệt, ứng dụng GrabMerchant, được 95% đối tác nhà hàng của đơn vị này sử dụng, đã trở thành công cụ hữu ích giúp các đối tác quản lý và theo dõi đơn hàng một cách tiện lợi, quản lý và kiểm tra doanh thu ròng mỗi ngày, điều chỉnh thực đơn, hình ảnh, cũng như giờ đóng - mở cửa quán. 

Ngoài ra, đối tác được hỗ trợ phân tích thói quen người dùng, thông tin món nào trong thực đơn bán chạy, người dùng thường đặt món gì chung với nhau... từ đó đưa ra khuyến nghị về các gói hoặc thực đơn phù hợp.

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, giám đốc phát triển kinh doanh GoFood của Gojek Việt Nam, cho biết khi trao đổi với các nhà hàng đang hoạt động trên GoFood, một trong những nhận định chung là dịch vụ đặt món ăn trực tuyến đang trở thành xu hướng mới được nhiều người sử dụng hơn. 

"Với thị trường dịch vụ đa dạng, người tiêu dùng sẽ có nhiều kỳ vọng hơn về chất lượng dịch vụ, tốc độ giao hàng, sự đa dạng, hay ngay cả về giá. Trong đó, tốc độ giao hàng là một trong những tiêu chí quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm khi xem xét lựa chọn sử dụng một dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến", ông Kiệt nói.

Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến... chuối chiên - Ảnh 2.

Shipper chạy như bay để kịp giao hàng cho khách trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giao nhận hàng hóa đua nhau từng giờ

Sôi động không kém cuộc đua tốc độ giao nhận đồ ăn thức uống là cuộc đua giao nhận hàng hóa, bưu kiện. Thay cho thời gian được tính bằng ngày, thậm chí tuần của các phương thức giao nhận truyền thống, các dịch vụ mới đang chạy đua giảm thời gian này xuống đơn vị bằng giờ, thậm chí chỉ 1 - 2 giờ.

Sau 6 tháng thử nghiệm, hệ thống bán lẻ Di Động Việt - đại lý ủy quyền chính thức của Apple tại VN - vừa công bố triển khai chương trình giao hàng chỉ trong 1 giờ. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Di Động Việt, chương trình đã ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng đánh giá hài lòng vì vừa mua được hàng từ xa tiện lợi, chất lượng đảm bảo, mà lại được nhận hàng trong thời gian nhanh chóng.

Bà Ánh Hồng, giám đốc tiếp thị chuỗi bán lẻ 24hStore, cũng cho biết chuỗi này đã đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi: miễn phí giao hàng siêu tốc trong vòng 2 giờ. Nhân viên sẽ đem nhiều dòng máy, nhiều màu, nhiều dung lượng cho khách hàng thoải mái lựa chọn, miễn phí vệ sinh máy bằng tia UV trước khi giao, miễn phí hỗ trợ kỹ thuật tại nhà...

Trước đó, start-up y tế trực tuyến eDoctor ra mắt dịch vụ nhà thuốc trực tuyến nhathuoc.edoctor.io với cam kết giao hàng đến tay người mua tại TP.HCM trong vòng 2 giờ. "Dịch vụ nhà thuốc trên ứng dụng eDoctor giúp chúng tôi đem đến sự tiện lợi ngay trong lòng bàn tay cho người dân khi họ có thể ngồi nhà mua thuốc và được giao tận tay một cách nhanh chóng" - TS Huỳnh Phước Thọ, phó tổng giám đốc eDoctor, chia sẻ.

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay đang chứng kiến cuộc đua tốc độ giao nhận rất quyết liệt giữa các sàn thương mại điện tử lớn. Chẳng hạn, Tiki từ lâu nổi danh với dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee giao hàng trong 4 giờ với dịch vụ Shopee Express, Lazada mở dịch vụ giao hàng hỏa tốc...

Đầu tư hệ thống phân loại, rút ngắn thời gian giao hàng

nt_shipper_6 3(read-only)

Sau khi nhận đồ ăn, các shipper chạy cấp tốc đến giao cho khách hàng đúng giờ và tranh thủ nhận thêm những đơn khác - Ảnh: NHẬT THỊNH

Với giao nhận hàng hóa, cuộc chiến về giá cả, tiện ích và tốc độ giao hàng, đặc biệt loại hình "hỏa tốc", đang được cạnh tranh rất khốc liệt giữa các đối thủ như Vietnam Post, Viettel Post, DHL...

Ông Nguyễn Đình Lợi - phó tổng giám đốc BEST Inc. VN - cho hay không chỉ mạng lưới bưu cục nhiều, giá cả vận chuyển cạnh tranh, việc tối ưu hóa việc phân loại hàng, ứng dụng công nghệ để giải quyết thời gian vận chuyển nhanh chóng. Do đó, các đơn vị giao hàng nhanh đang tập trung đầu tư hệ thống phân loại bưu kiện hàng với tốc độ nhanh, giảm sai sót nhằm rút ngắn thời gian chuyển hàng đến tay người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp giao nhận tăng tốc đầu tư công nghệ tiện lợi cho khách hàng như nhận hàng tận nơi, miễn phí chuyển khoản COD, tự động tính phí vận chuyển, kết nối trực tiếp đơn vị bán hàng trực tuyến với người tiêu dùng trên khắp cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Lazada, Sendo, Tiki và Shopee...

C.TRUNG

Tài xế công nghệ lo bị gài hàng cấm

Nhiều tài xế xe công nghệ cho biết rất mong được các hãng cung cấp ứng dụng có biện pháp bảo vệ trong việc giao các đơn hàng, tránh trường hợp bị "gài" giao hàng cấm bởi tài xế không được phép kiểm tra đơn hàng hay xem xét bên trong có gì.

Trong thực tế, như thông tin từ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), cơ quan này đang điều tra vụ nam tài xế giao nộp hơn 1.000 viên ma túy tổng hợp.

Cụ thể, khoảng 20h25 ngày 9-4, anh N.Đ.B. (quận Thanh Xuân), tài xế giao hàng qua ứng dụng Grab, đã đến Công an phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) giao nộp 1 thùng xốp có 2 túi nilông chứa tổng cộng 1.003 viên nén màu tím. Qua giám định sơ bộ xác định đây là ma túy tổng hợp loại MDMA, có khối lượng 440,63 gam.

Theo tường trình, trước đó anh N.Đ.B. có nhận được đơn hàng đến khu vực đường Đặng Vũ Hỷ (quận Long Biên) giao cho một nam giới chưa xác định được nhân thân. Tuy nhiên, khi giao đến nơi, anh B. không liên lạc được với người nhận và cả người gửi.Công an đang lập hồ sơ xác minh, xử lý vụ việc.

PHẠM TUẤN

Vất vả mưu sinh

giaonhan1604 4(read-only)

Ông Nguyễn Việt Hùng tất bật chất hàng lên xe lúc hơn 12h - Ảnh: KIM ÚT

Dưới cái nắng như đổ lửa vào buổi trưa của trời Sài Gòn, tại một góc siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm (P.3, Q.Gò Vấp), một nhóm đàn ông trung niên đang tất bật xếp hàng hóa lên những chiếc xe máy cho đến khi đầy ắp rồi vội vàng tỏa đi. Đây là công việc thường ngày của nhiều người giao hàng (shipper) cho siêu thị.

Anh N.T.L., quản lý đội giao hàng này, cho biết lực lượng này trước đây rất đông nhưng do công việc này quá vất vả nên nhiều người trẻ đã nghỉ hoặc chuyển qua chạy xe ôm công nghệ.

Do đó, lực lượng giao hàng tại đây chỉ còn những người già chịu khó bám trụ, một phần vì mưu sinh, một phần vì không thể tìm được việc khác do đã lớn tuổi. Do công việc nhiều, hầu hết các shipper đều làm xuyên trưa, có hôm chỉ ăn vội ổ bánh mì để kịp giao hàng cho khách.

Ngày nào cũng đến sớm nhất và về muộn nhất, cứ 5-6h sáng đã có mặt trước cửa siêu thị để chờ đơn hàng, ông Nguyễn Việt Hùng (52 tuổi), một trong những shipper kỳ cựu tại đây, cho biết phải cố gắng gấp 2-3 người khác để lo cho gia đình và việc ăn học của các con.

"Tui có 2 con đang tuổi ăn tuổi học, đứa 12 tuổi và đứa 17 tuổi, trong khi vợ tui cũng yếu lại hay bệnh nên mọi chi phí cho gia đình tui đều trông chờ vào công việc này", ông Hùng tâm sự.

KIM ÚT

Tôi tập làm shipper: Có những chuyến giao hàng cười ra... nước mắtTôi tập làm shipper: Có những chuyến giao hàng cười ra... nước mắt

TTO - Có lần tôi giao trà sữa từ Q.3 qua Q.6, tới nơi trà sữa hòa tan một phần trong đá, khách không nhận, bồi vài câu chửi, dù trước đó, tôi đã hỏi "để đá riêng hay chung" thì được trả lời "cứ để chung".

Xem thêm: mth.29864512261401202-neihc-iouhc-ned-gnod-id-iaoht-neid-ut-gnah-oaig-aud-nol-gno-cac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến... chuối chiên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools