Trong tuần giao dịch chứng khoán vừa qua (12-16.4), thanh khoản trên sàn HoSE tăng lên mức kỉ lục cao nhất từ trước tới nay.
Phiên có mức thanh khoản thấp nhất trong tuần là hơn 19.000 tỉ đồng, và cao nhất hơn 23.000 tỉ đồng. Bình quân thanh khoản mỗi phiên trên sàn HoSE trong tuần đạt hơn 21.347 tỉ đồng.
Sau phiên đầu tuần thanh khoản tăng đột biến lên hơn 21.500 tỉ đồng, dư luận trên các diễn đàn chia sẻ rằng sàn HoSE đã nới được khối lượng lệnh giao dịch tối đa từ 900.000 lệnh giao dịch/phiên lên mức 1,1 triệu lệnh giao dịch/phiên, theo đó thanh khoản sẽ được nới lên thêm khoảng 30%.
Sau đó thông tin về vấn đề này, phía Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho biết, HoSE đã có thêm một vài cải tiến về kĩ thuật vận hành nhờ đó đã giúp cải thiện hiệu quả xử lí của hệ thống, giảm bớt tình trạng quá tải và hỗ trợ tăng thêm thanh khoản cho thị trường.
Việc cải tiến về kĩ thuật hệ thống của HoSE đã giúp cho thanh khoản bùng nổ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên không có nghĩa, thanh khoản đã được nới ra ở mức vô hạn.
Ngoại trừ 2 phiên ngày 14-15.4 thanh khoản trên sàn HoSE chưa đạt tới mức 21.000 tỉ đồng, 3 phiên còn lại (12, 13 và 16.4) khi thanh khoản bước vào vùng 21.000 tỉ đồng, dấu hiệu nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE lại xuất hiện. Dấu hiệu đầu tiên là chậm tiếp nhận lệnh từ sàn thành viên, còn nặng hơn là không tiếp nhận lệnh giao dịch nữa.
Như vậy, mức thanh khoản trước đây được ví như “ngưỡng kháng cự nghẽn lệnh” là vùng 14.000 tỉ đồng, nay được nâng lên 21.000 tỉ đồng, tăng khoảng trên 30%, khá sát với những thông tin được lan tỏa trong giới đầu tư chứng khoán những ngày qua.
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong một số phiên của tuần qua, nếu không gặp phải “ngưỡng kháng cự nghẽn lệnh mới” tại vùng 21.000 tỉ đồng thì thanh khoản trên sàn HoSE có thể còn cao hơn nữa. Bởi trên thực tế, dòng tiền còn rất mạnh, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn chờ chực nhập cuộc khi các phiên giao dịch diễn biến điều chỉnh hay nhiều mã cổ phiếu giảm giá về mức hấp dẫn.
Một trong những thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố trong một hội nghị trực tuyến vừa mới đây, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tính đến cuối tháng 3.2021 là trên 45.300 tỉ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Trong tháng 3.2021, số tài khoản chứng khoán mở mới trong nước cũng đạt mức cao nhất lịch sử từ trước tới nay, khoảng 113.875 tài khoản, trong đó đại đa số là tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Còn trong tuần giao dịch vừa qua, thống kê trên sàn HoSE cho thấy, trong tổng thanh khoản bình quân hơn 21.347 tỉ đồng mỗi phiên, tỉ trọng thanh khoản qua khớp lệnh chiếm đến 91,1%, cho thấy dòng tiền chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp “cân” lại mức bán ròng mạnh trong tuần của khối ngoại lên đến hơn 2.300 tỉ đồng trên thị trường, cùng với trạng thái bán ròng của khối tự doanh.
Theo thông tin của một cựu lãnh đạo HoSE được báo chí dẫn lại, hệ thống của sàn này có thể tăng lên mức 1,8 triệu lệnh/ngày. Trong trường hợp nếu HoSE nâng khối lượng lệnh giao dịch lên gấp đôi lâu nay, thanh khoản được dự báo có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa.