Liên tiếp một tuần này, giá cát tại ĐBSCL tăng liên tục. Nhiều địa phương như tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu không mua được cát từ các tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông. Tình trạng khan hiếm cát khiến cho nhiều công trình xây dựng có khả năng ngưng trệ.
Ông Nguyễn Văn Đức, một nhà thầu xây dựng tại Bạc Liêu phản ảnh: “Giá cát lấp từ 110.000 đồng/m3 thời điểm đầu năm, nay đã tăng lên 210.000 đồng/m3; cát vàng xây dựng đã tăng lên 500.000 đồng/m3. Với mức giá này không doanh nghiệp nào chịu được”.
Không những tăng mà cát từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang về tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng hiếm. Một doanh nghiệp tại Cà Mau có 8 sà lan chuyên vận chuyển cát lắp than: “Mỏ cát tại các tỉnh đầu nguồn sông Mê kông giờ không thể mua được. Chúng tôi trả thêm 30.000 đồng/m3, nhưng không thể mua được”.
Đây là thời điểm nước rút giải ngân xây dựng cơ bản trong năm 2021, các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm cát, các nhà thầu không dám đầu tư. Bởi sang lấp mặt bằng lúc này lỗ nặng do giá thanh toán cát lắp của chủ đầu tư đưa ra quyết toán từ 103.000 đông/m3 đến 110.000 đồng/m3 (tùy theo tỉnh).
Nhu cầu cần vật liệu xây dựng như cát xây, cát lấp để phục vụ các công trình công dân dụng, các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm ở các địa phương hiện nay rất cấp thiết. Đặc biệt, các dự án trọng điểm quốc gia của vùng ĐBSCL đã và đang triển khai như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tới đây là trục đường ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau… rất cần nguồn vật liệu cát để san lấp mặt bằng. Chính vì vậy, dự báo tình trạng khan hiếm cát vẫn tiếp tục kéo dài.
Trước tình trạng giá cát tăng cao như hiện nay, ông Nguyễn Chí Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu đưa ra để nghị các địa phương cần cấp phép khai thác mỏ cát trên sông có kiểm soát tại các sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh…
Để thực hiện công việc này, các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch đúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại tỉnh An Giang mỏ cát ở sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có diện tích 60,3ha, với trữ lượng khoảng 2,4 triệu m3 được Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (số 14 đường số 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đấu giá cấp quyền khai thác trong thời hạn 12 năm với số tiền 2.811 tỉ đồng, tăng 390 lần so với giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng gây bão dư luận. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này khẳng định làm đúng quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoán sản.
Xem thêm: odl.907998-am-ihp-gnat-lcsbd-tac-aig/et-hnik/nv.gnodoal