vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ phiếu thép: Nhà đầu tư phải biết 'đãi cát tìm vàng'!

2021-04-18 09:01

Cổ phiếu thép: Nhà đầu tư phải biết 'đãi cát tìm vàng'!

Đăng Linh

(KTSG) - Ngoài vấn đề công suất mở rộng và áp lực cạnh tranh, một vấn đề khác được nhà đầu tư ngành thép đặc biệt quan tâm là giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng có thể sẽ gây ra áp lực về chi phí sản xuất cũng như nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Ngành thép được đánh giá có triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Tự tin đặt kế hoạch kinh doanh

Ngành thép đang đón nhận nhiều thông tin tích cực khi giá thép tăng mạnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm trong và ngoài nước tăng cao sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chi tiêu đầu tư công cho hạ tầng hậu đại dịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành này tăng trưởng. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp thép đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng vọt so với mức thực hiện của năm 2020.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu đạt 16.000 tỉ đồng, lãi sau thuế 600 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 103% so với năm 2020. Tương tự, Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (VIS) dự kiến năm nay thu về 4.588 tỉ đồng doanh thu và 28 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 113% và 125% so với năm ngoái. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) cũng lên kế hoạch đạt doanh thu 12.989 tỉ đồng, tăng 35% và lợi nhuận trước thuế 49 tỉ đồng, tăng 40%.

Riêng đối với “ông lớn” trong ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), sau năm 2020 mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên quy mô lớn, Hòa Phát tiếp tục đặt ra mục tiêu khá tham vọng cho năm 2021. Hòa Phát dự kiến doanh thu sẽ đạt 120.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 33,15% và 33,17% so với năm 2020.

Mục tiêu trên của Hòa Phát không phải là không có cơ sở khi tập đoàn này đã liên tục tăng giá bán sản phẩm đầu ra trong thời gian gần đây. Điển hình như quyết định tăng giá thép cây thêm 150.000 đồng/tấn kể từ ngày 26-3-2021, sau khi đã tăng 200.000 đồng/tấn từ ngày 9-3-2021. Giá tôn mạ cũng được điều chỉnh tăng 400 đồng/ki lô gam, áp dụng từ ngày 22-3-2021.

Đà tăng không chia đều cho tất cả

Trong quá trình “đãi cát tìm vàng” cổ phiếu ngành thép, nhà đầu tư sẽ phải theo sát tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc triển khai dự án đầu tư để đưa ra quyết định mua, bán.

Trước làn sóng tăng giá của các loại hàng hóa trên thế giới, ngành thép được đánh giá có triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm nay. Mặc dù vậy, không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng hấp dẫn nhà đầu tư.

Các cổ phiếu có đà tăng giá mạnh trong hơn một năm qua chủ yếu nằm ở ba cái tên: HPG, NKG và HSG (của Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen). Thống kê giá đến ngày 8-4-2021 cho thấy so với đầu năm 2020, giá cổ phiếu HPG đã tăng 2,5 lần, từ quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu NKG tăng gấp 3,3 lần, từ quanh 7.000 đồng/cổ phiếu lên 24.600 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu HSG có mức tăng lớn nhất, tới 4 lần, từ 7.500 đồng/cổ phiếu lên 30.000 đồng/cổ phiếu…

Ngược lại, cũng có không ít cổ phiếu khác trong ngành thép lại trong xu hướng giảm giá. Điển hình như VIS giảm 24,5%, từ 24.800 đồng/cổ phiếu xuống 18.700 đồng/cổ phiếu; TIS giảm 33%, từ 15.500 đồng/cổ phiếu xuống 10.400 đồng/cổ phiếu; DTL (của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc) giảm 43,7%, từ 23.100 đồng/cổ phiếu xuống 13.000 đồng/cổ phiếu...

Về cơ bản, sự phân hóa về giá của cổ phiếu ngành thép phản ánh chất lượng và triển vọng của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có mảng kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt sẽ vẫn là nhóm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là không ít cổ phiếu ngành thép đã tăng giá mạnh trong cả năm 2020 nên dư địa tăng để tăng tiếp trong năm 2021 không còn nhiều. Do vậy, trong quá trình “đãi cát tìm vàng” cổ phiếu ngành thép, nhà đầu tư sẽ phải theo sát tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc triển khai dự án đầu tư để đưa ra quyết định mua, bán.

Hiện tại, trong nhóm doanh nghiệp ngành thép, Hòa Phát có lợi thế là nhà máy sản xuất tại Dung Quất, các lò cao đều đang chạy hết công suất. Nhu cầu thép cuộn cán nóng của Việt Nam trong năm 2020 khoảng 12 triệu tấn, nhưng Hòa Phát và Formosa là hai đơn vị sản xuất thép cán nóng trong nước mới chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.

Dư địa còn rất lớn nên đây là động lực để Hòa Phát đẩy mạnh đầu tư. Năm nay, Hòa Phát có kế hoạch đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm, trong đó thép dẹt dự kiến đạt 4,6 triệu tấn/năm, thép thanh, thép dây chất lượng cao dự kiến đạt 1 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 85.000 tỉ đồng, gồm 70.000 tỉ đồng là vốn tự có, 15.000 tỉ đồng là vốn lưu động; thời gian thực hiện trong ba năm.

Hay với Gang thép Thái Nguyên, sản lượng tiêu thu gần đây đang trên đà tăng trưởng trở lại nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất sản xuất 1 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do nguyên liệu các mỏ giảm dần và Gang thép Thái Nguyên có những khó khăn mang tính đặc thù như dây chuyền thiết bị đã cũ, xuống cấp, số lượng lao động đông, khó khăn về thu xếp vốn.

Cùng với đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 vẫn đang chờ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty. Trong năm 2021, Gang thép Thái Nguyên dự kiến đầu tư 2,7 tỉ đồng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo mở rộng khai thác than mỡ hầm lò khu Nam Làng Cẩm và hầm lò khu Bắc Làng Cẩm. Ngoài ra, công ty này sẽ đầu tư 12,85 tỉ đồng nâng cấp tài sản cố định.

Ngoài vấn đề công suất mở rộng và áp lực cạnh tranh, một vấn đề khác được nhà đầu tư ngành thép đặc biệt quan tâm là giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng có thể sẽ gây ra áp lực về chi phí sản xuất cũng như nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu. Theo Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, doanh nghiệp này có khả năng phải tạm dừng sản xuất vì nguy cơ không mua được nguyên liệu. Công ty hiện cũng chưa lên được kế hoạch kinh doanh năm 2021 vì vấn đề này.

Về tổng thể, nhu cầu tiêu thụ thép năm nay sẽ được duy trì nhờ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thép vẫn đối mặt với một số rủi ro như hoạt động xây dựng trong nước chưa thực sự khởi sắc; trong trung và dài hạn có rủi ro dư cung và áp lực cạnh tranh lớn; rủi ro bảo hộ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu; rủi ro biến động giá nguyên liệu và tỷ giá. Do đó, mức độ phân hóa giữa các cổ phiếu trong ngành thép sẽ ngày càng lớn trong năm nay, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự tìm hiểu kỹ mới có thể để tìm ra những cái tên vượt trội.  

Xem thêm: lmth.gnav-mit-tac-iad-teib-iahp-ut-uad-ahn-peht-ueihp-oc/904513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cổ phiếu thép: Nhà đầu tư phải biết 'đãi cát tìm vàng'!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools