vĐồng tin tức tài chính 365

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu: Đồng thuận hoặc sẽ là cơn ác mộng!

2021-04-18 09:01

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu: Đồng thuận hoặc sẽ là cơn ác mộng!

Song Thanh

(KTSG) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có một động thái gây chú ý khi đề xuất thực hiện thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia. Đề xuất này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế thế giới?

Hôm 5-4, trong bài phát biểu đầu tiên trước thế giới trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen đã kêu gọi thực hiện thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu để ngăn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khi các nước cố gắng giảm thuế để thu hút doanh nghiệp mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay an toàn, phúc lợi cho người lao động.

Bà Yellen cũng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn “chấm dứt cuộc đua xuống đáy” trong lĩnh vực thuế suất doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu, đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ hợp tác với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) để thúc đẩy áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đề xuất tăng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu lên 21%.

Động lực mạnh mẽ cho một thỏa thuận toàn cầu

ông Pascal Saint Amans, Giám đốc Trung tâm Quản lý và chính sách thuế tại OECD nhận định “Đúng là có một sự khác biệt lớn, nhưng mọi người đều hiểu rằng, nếu không có thỏa thuận, giải pháp thay thế sẽ là sự hỗn loạn…”

Đề xuất mới của Mỹ ngay lập tức đã nhận được những phản ứng tích cực, trong bối cảnh nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 vừa cam kết sẽ đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào giữa năm nay.

Do đó, không có gì khó hiểu khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế trụ cột của liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng phát tín hiệu ủng hộ đề xuất của Mỹ, khiến cho triển vọng đạt được một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, nhu cầu lớn về vốn để khôi phục kinh tế là một trong những động lực chính thúc đẩy các quốc gia nỗ lực tiến tới một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Ông Frederic Neumann, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, cho biết: “Những luồng gió chính trị đã thay đổi đáng kể”, theo chiều hướng có lợi cho một thỏa thuận. “Đại dịch đã dẫn tới sự thâm hụt ngân sách nghiêm trọng ở nhiều nền kinh tế, gây sức ép lên tài chính công, và có thể phải mất nhiều năm để khắc phục hoàn toàn”.

Bằng cách áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu, các quốc gia hy vọng sẽ ngăn chặn được việc thất thu thuế do xu hướng dịch chuyển sang các thiên đường thuế.

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng hỗ trợ kế hoạch của ông là tăng thuế nội địa từ mức 21% hiện nay lên 28%, mà không phải lo lắng việc các doanh nghiệp có thể dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài.

Không chỉ có các quốc gia phát triển mới đạt được lợi ích. Ông Akshay Mathur, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Địa kinh tế tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Những đề xuất mới nhất này rất phù hợp với các mục tiêu của Ấn Độ. Một trong những ưu tiên của Ấn Độ tại G20 kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền là chống tài trợ khủng bố và các thiên đường thuế”.

Theo Bhima Yudhistira Adhinegara, nhà kinh tế của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta, Indonesia cũng có khả năng ủng hộ kế hoạch này, trong bối cảnh quốc gia này đang liên tục cạnh tranh với Singapore, nơi có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn. “Bộ Tài chính Indonesia có thể sẽ hoan nghênh đề xuất này,” chuyên gia Bhima nói. “Điều này được thông qua càng sớm càng tốt, để Indonesia không phải đưa ra các ưu đãi thuế quá mức nhằm thu hút các nhà đầu tư”.

Những thách thức đối với đề xuất của Mỹ

Tuy nhiên, đề xuất vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tại Mỹ, chính sách thuế do Quốc hội đưa ra do đó Tổng thống Joe Biden sẽ phải rất cố gắng để có thể thực thi được chính sách của mình.

Trên phương diện quốc tế, việc đạt được thỏa thuận về mức thuế cũng là không hề dễ dàng. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 21% - cao hơn nhiều so với mức 12,5% được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) đưa ra thảo luận trong những năm gần đây.

Ở châu Âu, Đức và Pháp là những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp cao nhất EU, đã mâu thuẫn trong nhiều năm với các thành viên khác như Hungary, Ireland và Cộng hòa Síp, vốn sử dụng mức thuế thấp để thu hút đầu tư.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng không thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch này. Thứ trưởng tài chính Hàn Quốc Lee Eog-weon chia sẻ với các nhà báo hôm thứ Tư tuần trước rằng Seoul phải thận trọng và “tính đến những tác động xấu về khả năng cạnh tranh và đầu tư”.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới David Malpass cũng tỏ ra dè dặt, khi chia sẻ với BBC rằng ông không muốn thấy những quy định mới có thể cản trở khả năng thu hút đầu tư của các nước nghèo. Ông nhận định, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 21% mà Mỹ đề xuất là quá cao.

Thái độ thận trọng của Trung Quốc

Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện vẫn giữ thái độ thận trọng trước đề xuất của Mỹ. Giới chức Bộ Tài chính Trung Quốc cũng từ chối trả lời các câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng về quan điểm đối với vấn đề này.

Bà Alicia Garcia Herrero - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Natixis nhận định, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 21% do Mỹ đề xuất nhiều khả năng sẽ không phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc, nơi mức thuế doanh nghiệp chính thức hiện là 25%. Theo bà Alicia “Nếu đề xuất này được đưa ra tại cuộc họp của các nước G20, nó sẽ được thông qua và không phải vấn đề gì quá lớn đối với Trung Quốc”.

Thế nhưng, Bắc Kinh sẽ quan tâm nhiều hơn đến tác động của mức thuế doanh nghiệp tối thiểu đối với các thiên đường thuế, bởi cũng theo bà Alicia, “những bên bị thiệt hại sẽ là các thiên đường thuế như Hồng Kông”.

Hồng Kông hiện đang là thiên đường thuế lớn thứ bảy trên thế giới và lớn nhất tại châu Á, theo một báo cáo được công bố hồi đầu năm nay bởi Tax Justice Network. Khoảng 70% nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đại lục hiện đang được chuyển sang các doanh nghiệp thành lập tại Hồng Kông, để hưởng mức thuế thấp. Việc buộc Hồng Kông tăng thuế doanh nghiệp, do đó, sẽ làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của trung tâm tài chính này.

Bên cạnh đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một yếu tố cần tính đến trong cuộc đàm phán quốc tế về một thỏa thuận thuế toàn cầu. Ông Zhao Xijun - giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc bình luận “Đây là một đề xuất do phía Mỹ đưa ra, không phải từ phía Trung Quốc. Nếu Mỹ thực sự muốn tạo ra một môi trường công bằng và bình đẳng, họ nên giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và loại bỏ các rào cản đầu tư, thay vì tiếp tục duy trì một tiêu chuẩn kép”.

Những rủi ro khi khác biệt không sớm được thu hẹp

Ông Wang Dehua, một chuyên gia nghiên cứu tài chính cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lưu ý rằng một số quốc gia, chẳng hạn như Ireland, từ nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho các công ty đa quốc gia chuyển địa điểm kinh doanh để tránh thuế.

Do đó, theo ông, một sự đồng thuận quốc tế, chứ không phải một mức thuế cụ thể, nên được xây dựng để hạn chế các hành động như vậy. Ông cũng nhận định, “các thỏa thuận về thuế là một vấn đề chủ quyền. Và phải mất nhiều thời gian để đề xuất có thể trở thành hiện thực”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại lo ngại, nếu những khác biệt không sớm được thu hẹp, các quốc gia có thể sẽ tự lựa chọn mức thuế riêng theo mong muốn của mình. Điều này có thể gây ra một cuộc chiến tồi tệ, như trường hợp của thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Sự bất bình về việc những hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ kiếm được doanh thu tại thị trường châu Âu mà không phải nộp thuế đã thúc đẩy một số quốc gia EU như Pháp áp đặt các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số. Căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương đã nhanh chóng leo thang khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trước đây) đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa đối với châu Âu.

Ông Peter Vale, một chuyên gia về thuế của Grant Thornton ở Dublin, cho biết sự leo thang căng thẳng và việc các quốc gia áp dụng các mức thuế riêng rẽ, sẽ là “một cơn ác mộng”, khiến “việc kinh doanh trên toàn cầu trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém”.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Pascal Saint Amans, Giám đốc Trung tâm Quản lý và chính sách thuế tại OECD nhận định “Đúng là có một sự khác biệt lớn, nhưng mọi người đều hiểu rằng, nếu không có thỏa thuận, giải pháp thay thế sẽ là sự hỗn loạn - một cuộc chiến thương mại mà không ai mong muốn”.

Tuy vậy, các cuộc khủng hoảng cũng thường được coi là cơ hội dẫn tới những đột phá. Và hiện tại, động lực tiến tới việc hoàn tất một thỏa thuận dường như đang rất mạnh mẽ, ngay cả khi các chính phủ vẫn phải bận rộn chiến đấu với đại dịch. Theo các chuyên gia, những cuộc thương lượng khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong những tháng tới, khi các nhà đàm phán cố gắng đạt được sự cân bằng giữa các quốc gia ở các giai đoạn phát triển rất khác nhau.

“Một bước đột phá lớn sẽ xảy ra nếu G20, hoặc thậm chí chỉ là một nhóm nhỏ các thành viên của nó tham gia ký kết thỏa thuận,” chuyên gia Neumann của HSBC nhận định. “Các thỏa thuận quốc tế kiểu này tốt nhất nên được xây dựng từng bước một”.

Theo SCMP, Reuters, BBC

Xem thêm: lmth.gnom-ca-noc-al-es-caoh-nauht-gnod-ueiht-iot-peihgn-hnaod-euht-nauht-aoht/614513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu: Đồng thuận hoặc sẽ là cơn ác mộng!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools