Con trẻ cần một vòng tay yêu thương... vừa đủ - Ảnh: Q.ĐỊNH
1. Con sáu tuổi, vẫn là cô công chúa bé bỏng của ba mẹ. Con hay biểu lộ tình cảm với ba bằng cách ôm cổ ba hoặc sà vào lòng ba. Lắm khi con còn ôm ngang eo ba, rồi kêu lên: "Eo ba bự quá!". Vậy là con "chê ba" phát tướng, bụng bắt đầu phì, dù ba không nhậu nhẹt… Cũng có khi con thơm ba, rồi thế nào cũng hờn giận bằng giọng phụng phịu: "Râu ba làm đau con…!".
Ba có cảm giác con thích biểu lộ tình cảm với ba như thế hơn là được ba ôm ấp, nựng nịu. Lắm lần, ôm con ba học câu của chị Hai con hay nói: "Ôm Út đã quá!", nhưng con cứ xô ba ra hoặc không chịu để ba ôm lâu.
2. Ba tưởng con hờn chuyện ba ôm chặt, nhưng nghĩ kỹ, hình như không chỉ có vậy. Các con đang ngày một lớn, ba không thể nựng nịu, ve vuốt như hồi còn bồng bế trên tay nữa. Con có không gian riêng. Hơn thế, ba hiểu rằng "ôm con chặt quá" như là con đang trách ba quản con quá sát sao, dù có lẽ trong đầu, con chưa có ấn tượng hay cảm giác rõ ràng về điều đó.
Ba biết rằng, với nhiều người con cái vẫn luôn bé bỏng với cha mẹ. Ba cũng có cảm giác đó, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Bởi ba luôn nhận thấy ba không phải lúc nào cũng có thể hòa nhập được thế giới của con, không phải lúc nào cũng hiểu được con. Thế nên ba thấy rằng phải tôn trọng không gian và cảm xúc riêng của con.
3. Từ lúc chị em con còn bé, ba đã thấu việc "đừng ôm con chặt quá". Các sinh hoạt cá nhân, việc chơi đùa, việc học…, ba thường để các con chủ động và tập dần tính tự giác, tự lập, không phải lúc nào cũng bắt ép, đòi hỏi. Đổ thùng đồ chơi ra chơi, bày khắp phòng, chơi chán, ba bảo các con tự dọn, nếu không thì xếp ra một thùng riêng, để hôm nào chở về quê cho các em chơi, thế là các con riu ríu thu dọn.
Dĩ nhiên, đó không phải là cách hay, vì có thể các con sinh ra tính ích kỷ, không biết chia sẻ; nhưng lúc khác, ba đề nghị các con nên trích ra một phần đồ chơi cho em, thứ nào cũng được, thì các con cũng chấp hành một cách rất tự giác.
Hay cuối tuần, ba bảo chị Hai tắm em, vậy là thêm trách nhiệm cho chị nhưng cũng giao sự chủ động cho em, bởi nếu chị tắm qua loa, em phải biết tự xử lý. Việc học cũng vậy, sau giờ cơm tối, đúng bảy giờ, các con phải vào bàn học, học bài hôm sau, xem bài mới, nếu còn thì giờ thì học ôn Anh văn… Vài bữa ba mới kiểm tra hoặc xem bài một lần.
Ba không kèm cặp quá sát các con, nhưng ba luôn ở bên các con, lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ, vừa như một người cha, vừa như một người bạn. Dù thế nào, ba vẫn nhớ, đừng ôm con chặt quá!
Bởi chặt quá, con sẽ khó thở, con phải vùng vẫy, con sẽ không thích được ba ôm nữa, mà ba cũng sẽ mệt hơn khi cố giữ con lại. Ba hiểu và chắc các con cũng hiểu, thương đâu phải lúc nào cũng ôm chặt và cũng đâu phải có thể ôm các con cả đời.
Chỉ lúc con cần vòng tay chở che, động viên, an ủi của ba mẹ, lúc đó vòng tay ấy mới có ý nghĩa nhất. Còn lúc nào cũng dang tay ôm con, biết đâu con lại thấy cái vòng tay ấy thật bình thường, đáng chán, có lúc còn đáng sợ nữa!
Hộp thư Tổ ấm
Trang Tổ ấm tính đến ngày 17-4 đã nhận được bài viết cộng tác của các tác giả: Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Thanh Nguyễn, Hà Tiên, Lê Thạch... Bài viết cộng tác chuyên mục Chuyện nhà, Góc tâm tình, bạn đọc vui lòng gửi về toam@tuoitre.com.vn, độ dài không quá 1.000 chữ.
TTO - Cậu bé Thiên Phúc, 5 tuổi, đã nói như reo "Con vui quá ba ơi!" khi được nhận quà và tham gia trò chơi ngay trong khu trọ của gia đình mình - khu lưu trú số 7 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Xem thêm: mth.22074959081401202-auq-tahc-noc-mo-gnud-ab/nv.ertiout