Học sinh chụp hình sau khi làm bài kiểm tra xong - Ảnh: TUẤN TRẦN
Bạn ơi, hãy tỉnh táo, đồng tiền bất chính thì không thể ở với ta lâu dài. Khi đứng trước nhiều lựa chọn kinh doanh, hãy suy nghĩ cho cả người sử dụng chứ đừng chỉ nghĩ cho bản thân.
Trích bài làm của một học sinh
Thầy Trần Tuấn Anh - giáo viên môn GDCD Trường THCS Colette, tác giả đề kiểm tra này - chia sẻ rằng thầy rất bất ngờ khi đọc bài làm của học sinh.
Khao khát sống tốt, sống đẹp
Thầy Tuấn Anh nói: "Dù học sinh ngoan hay chưa ngoan, giỏi hay chưa giỏi, bài làm của các em đều chan chứa những khao khát sống tốt, sống đẹp".
Thầy Tuấn Anh dẫn tâm tình của K., học sinh lớp 9/4, khiến người lớn phải suy nghĩ: "Bức thư này tôi xin dành cho một người, người đó không mấy tốt đẹp gì trong hiện tại. Nhưng tôi hi vọng người đó sẽ thay đổi theo hướng tích cực, sẽ tốt hơn sau này...
Ở tuổi 25, có thể bạn đã lấy vợ, hãy nhớ cùng nhau ăn những bữa cơm gia đình thật đầm ấm. Đừng giống như tôi bây giờ, muốn có một bữa cơm nhưng đó lại là cơm chan nước mắt".
Đừng tưởng học sinh 15 tuổi vẫn còn vô tư, thậm chí vô cảm với những người xung quanh. N.M., học sinh lớp 9/1, đã viết: "25 tuổi mình lớn lên thì ba mẹ cũng già rồi. Lớn rồi thì đừng làm ba mẹ buồn nữa. Hãy cố gắng thành công nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ. Đừng để sau này phải hối hận vì chưa trả trọn chữ hiếu cho ba mẹ".
Hay như G.M., học sinh lớp 9/4: "Tớ hi vọng sự nỗ lực trên ghế nhà trường sẽ giúp cậu đạt được ước mơ. Nhưng giới kinh tế vốn rất khắc nghiệt, "thương trường như chiến trường". Chỉ mong cậu sẽ giữ được bản tính lương thiện của mình, không buôn bán trái phép hay nhận hối lộ. Bởi lẽ những việc G.M. làm lúc 25 tuổi sẽ để lại hậu quả cho G.M. lúc 27 tuổi, 30 tuổi hay 40 tuổi.
Vì vậy, chớ dùng sự thông minh, lanh lẹ để vi phạm pháp luật, làm những việc sai trái, đem lại lợi ích riêng cho mình. Hãy sử dụng trí thông minh của cậu để làm việc tốt, cống hiến cho đất nước. Có như vậy mới được người đời kính trọng, quý mến. Nếu không, tuy có được trí óc thông minh, tài giỏi nhưng kèm theo đó là bộ áo sọc trắng đen nơi tù tội".
Tự răn mình
Giữa cuộc sống bộn bề, giữa cái xấu và cái tốt đan xen, các học sinh không chỉ khao khát sống đẹp mà còn tự răn mình đừng sa ngã. "Khi bạn đọc được bức thư này, có thể bạn đã trở thành một kỹ sư điện tốt. Trong cuộc sống, có thể có những người xấu, những người "gù" về nhân cách nhưng bản thân bạn không được thay đổi, lúc nào cũng phải "đứng thẳng" vì đứng thẳng chính là người đáng quý" - D.H., học sinh lớp 9/6, viết.
Còn B.Nh., lớp 9/1, thì tự dặn mình: "Tuổi 25, sẽ có lúc bạn nản chí hay thất vọng hoặc sẽ bị cám dỗ. Nhưng dù thế nào, bạn cũng phải giữ được lý trí của mình. Trong công việc, bạn phải làm việc nghiêm túc, không dựa vào thủ đoạn, hãy làm việc ngay thẳng bằng chính năng lực của bạn.
Trong hôn nhân, phải tôn trọng, yêu thương và chung thủy với người yêu thương mình vì họ đã chọn bạn làm người đi hết cuộc đời. Họ đã đặt niềm tin vào bạn nên bạn phải đối xử với họ một cách chân thành nhất. Trong kinh doanh buôn bán, đừng vì lợi nhuận mà làm nô lệ của đồng tiền, tránh bán các thực phẩm bẩn, gián tiếp hại người".
"Hãy luôn nhớ rằng: yêu là để cảm xúc thăng hoa, để tâm sự, sẻ chia chứ đừng để vật chất là động lực của tình yêu. Khi yêu hãy thật lòng và trân trọng, không được đùa giỡn với tình cảm của người khác, không được làm "kẻ thứ ba" chia rẽ tình cảm của người khác. Tôi mong bạn hãy là một người thành thật, thủy chung và có trách nhiệm khi yêu" - trích bài làm của T.H., học sinh lớp 9/1.
Thầy Tuấn Anh nhận xét: "Đề kiểm tra như vậy không làm khó học sinh. Trước khi kiểm tra, các em đã được học 4 bài: Quyền tự do kinh doanh, Quyền và nghĩa vụ công dân trong hôn nhân - gia đình, Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý của công dân. Rất nhiều em đã đạt điểm 10 với bài kiểm tra này. Thậm chí, nếu có thể cho điểm cao hơn 10 tôi cũng sẵn sàng cho vì nhiều em viết rất sâu sắc".
Giờ kiểm tra là một sự kiện ấn tượng
"Ngoài các tiết dạy thì tôi mong muốn giờ kiểm tra sẽ là những giây phút lắng đọng để học sinh nhìn lại mình, nhìn lại các bài dạy của thầy. Giờ kiểm tra 1 tiết vừa rồi tôi mở nhạc du dương, dìu dịu trong suốt khoảng thời gian học sinh làm bài. Không có tiếng trao đổi, hỏi bài của các học sinh, không có việc xem tài liệu. Thầy giáo cũng trang trí trên bảng với những dòng chữ thật bắt mắt để sau khi làm bài xong, học sinh sẽ lên chụp hình check-in nếu các em hứng thú. Tôi muốn giờ kiểm tra sẽ là một sự kiện ấn tượng đối với học trò".
Thầy giáo TRẦN TUẤN ANH
TTO - Đó là công việc của các học sinh khối 11 và 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM với dự án 'Hành trình trên đất chín rồng'.