Cải cách môi trường kinh doanh đang ‘giảm tốc’
Hoàng Thắng
(KTSG Online) – Việc cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam cần được nâng cấp lên theo hướng tạo ra môi trường minh bạch, thay vì chỉ tập trung tháo gỡ rào cản kinh doanh, theo VCCI.
Một góc Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”(*) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng cho biết tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước khi tỷ lệ doanh nghiệp được đánh giá là tốt và rất tốt – theo danh sách 11 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh thuộc Nghị quyết 02/NQ-CP – chỉ ở mức 58,2%, cao hơn 1,2% so với năm 2019. Trước đó, tỷ lệ này đã tăng từ 51,7% lên 57,5% trong giai đoạn 2018-2019.
Sự thay đổi các chỉ số về môi trường kinh doanh cũng thể hiện xu hướng trái ngược khi hai chỉ số được xếp hạng thấp là phá sản doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư năm 2020 đã tăng tương ứng 3,9 điểm và 4,6 điểm so với năm 2019. Trong khi hai chỉ số được xếp hạng cao là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã giảm tương ứng 0,8 điểm và 5,9 điểm so với năm 2019.
Với các địa phương, VCCI cho biết các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh vẫn thể hiện sự tích cực hơn so với ở năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại. Theo đó, việc thực hiện một số biện pháp, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02/NQ-CP đang chậm tiến độ. Rất nhiều các đầu mục công việc lý ra phải hoàn thành nhưng đến đầu năm 2021 mới chỉ trong giai đoạn xây dựng dự thảo hoặc triển khai lấy ý kiến, theo bản báo cáo của VCCI.
Sự thay đổi đánh giá của doanh nghiệp về mức độ chuyển biến của 11 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh. Ảnh: VCCI-USAID, Điều tra PCI. |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết môi trường kinh doanh còn nhiều điểm cần được cải thiện trong năm năm tới. Về cải cách tư pháp, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp đã tăng, nhưng tỷ lệ thi hành án sau khi có bản án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm.
“Trong rất nhiều trường hợp, việc đưa ra bản án dễ hơn so với thi hành bản án đó”, ông Lộc nói tại buổi công bố báo cáo.
Về tính công khai minh bạch, ông Lộc cho biết các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đã được minh bạch hoá. Nhưng việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo của Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận lại trở nên khó khăn hơn.
“Ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là các con số tổng, không có ý nghĩa để doanh nghiệp sử dụng”, ông Lộc cho biết.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, những thách thức với hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được.
“Các vấn đề dễ làm thì chúng ta đều đã làm. Nhưng những việc còn lại cần phải làm thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lộc nói.
Tương tự, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng môi trường kinh doanh hiện tồn tại nhiều trở ngại với chủ thể tham gia, gồm các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Trước đó, báo cáo của VCCI cho biết việc tra cứu mặt hàng kiểm tra chuyên ngành còn tương đối phức tạp, dù danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành với mã HS tương ứng đã được công bố đầy đủ.
Lý giải nguyên nhân, VCCI cho rằng các văn bản này thường xuyên thay đổi, tương đối phức tạp và có nhiều hướng dẫn chi tiết nằm ở công văn hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn. Vì vậy các doanh nghiệp logistics thường phải tự lập các bảng hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách các hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.
Về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh các nhiệm vụ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa được thực hiện, gồm: thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra, nhất là kiểm tra cảm quan.
Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa hầu như không được thực hiện hoặc thực hiện với các tiêu chí đơn lẻ và khó đáp ứng.
“Không có mặt hàng nào được loại bỏ khỏi danh sách kiểm tra hoặc chuyển từ cơ chế kiểm tra khi nhập khẩu sang kiểm tra lưu thông trong năm 2020”, VCCI nhận xét.
Với dịch vụ công, VCCI cho biết xu hướng chuyển chuyển đổi dịch vụ công lên thẳng cấp độ 4 trong năm 2020 - không qua cấp độ 3 - chủ yếu áp dụng với các thủ tục mang tính báo cáo - không cần cơ quan Nhà nước trả lời hoặc chỉ cần trả lời tự động.
Với việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua môi trường điện tử, VCCI cho biết hoạt động này còn gặp một số tình trạng, gồm: Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công tại Cổng dịch vụ công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng không được giải quyết, mà thay vào đó được hướng dẫn nộp hồ sơ giấy; Việc thanh toán trực tuyến với lệ phí vẫn chưa được thực hiện với nhiều thủ tục ở các bộ, ngành. Hoặc có tình trạng website thanh toán bị lỗi, không thể truy cập hoặc không thể thanh toán được mà không rõ lý do.
Thậm chí, các cổng dịch vụ công trực tuyến thường gặp lỗi không rõ lý do, gồm: hệ thống bị treo, không thể nộp hồ sơ mà không rõ lý do; không tải được tệp đính kèm mà; không nhận được thông báo đã nhận được hoặc có thông báo nhưng không có mã hồ sơ để tra cứu; hệ thống không tìm thấy hồ sơ khi tra cứu tình trạng hồ sơ; đợi xác thực khi đăng ký tài khoản mất nhiều thời gian, đặc biệt với các thủ tục có tần suất thực hiện thấp.
(*) Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)
Xem thêm: lmth.cot-maig-gnad-hnaod-hnik-gnourt-iom-hcac-iac/075513/nv.semitnogiaseht.www