Đặc sản xứ dừa Bến Tre lên sàn thương mại điện tử
Chánh Trung
(KTSG Online) - Không nằm ngoài xu hướng hàng hóa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tìm khách hàng mới, kênh phân phối mới ngày nay, các mặt hàng đặc sản của xứ dừa Bến Tre mới đây đã theo chân chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến" hiện diện trên sàn Sendo.vn.
Nhiều đặc sản xứ dừa Bến Tre sẽ lên sàn TMĐT từ ngày 22 đến 14-4-2021. Ảnh: Sendo.vn |
Ngày 20-4 đại diện sàn TMĐT Sendo.vn cho biết từ ngày 22 đến 24-4 tới đây hàng loạt đặc sản của các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương, nông dân của xứ dừa Bến Tre, như dừa Bến Tre, bưởi da xanh Giồng Trôm, thạch dừa Minh Tâm... sẽ được trưng bày và bán với giá ưu đãi trên sendo.vn như một cách giới thiệu đến người dùng toàn quốc. Đây là hoạt động tiếp sau chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” giới thiệu đặc sản Sơn La trên Sendo.vn do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng các sàn TMĐT tổ chức.
“Gian hàng Việt trực tuyến” là cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất Việt kết nối thị trường trong nước, hướng tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. |
Sendo.vn cho hay trong khoảng thời gian chạy chương trình nói trên, những doanh nghiệp và người dùng địa phương (tại Bến Tre) đặt mua hàng qua sàn sendo.vn sẽ được công ty hỗ trợ phí vận chuyển.
Sự kiện cũng nhằm mục tiêu quảng bá, đẩy mạnh mua bán hướng đến người dùng các tỉnh và các thành phố cấp 2 cũng như giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương tiếp cận kênh phân phối trực tuyến thông qua các sàn TMĐT. Việc đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT cũng góp phần làm giảm nguy cơ phải giải cứu nông sản cũng như giúp nông sản Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Bộ Công Thương cho biết “Gian hàng Việt trực tuyến” là giải pháp giúp chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển. Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thiết kế xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các sàn TMĐT lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Siêu thị hàng Việt này mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất hàng Việt, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Những diễn biến phức tạp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực mới cho TMĐT phát triển. Xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng 4.0. Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã tìm ra được hướng đi mới để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua thị trường TMĐT. Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTTP và EVFTA được ký kết sẽ mang đến những cơ hội và thách thức mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho doanh nghiệp sản xuất Việt nói riêng. Đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng góp sức tạo nên một cộng đồng hàng Việt trải dài từ trong hệ thống các siêu thị lớn, siêu thị quy mô vừa và nhỏ cho đến hệ thống chợ truyền thống, các hệ thống bán buôn và bán lẻ, tới kênh phân phối hiện đại trên sàn TMĐT. |
Xem thêm: lmth.ut-neid-iam-gnouht-nas-nel-ert-neb-aud-ux-nas-cad/365513/nv.semitnogiaseht.www