Tìm hướng phát triển cho nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Nước mắm Nam Ô – một thương hiệu có từ thế kỷ 18 và được tiến Vua – trải qua nhiều thăng trầm đã có nhãn hiệu tập thể cho mình. Tuy nhiên để thúc đẩy và phát triển nhãn hiệu tập thể này cũng như thị trường này cần sự tham gia của nhiều bên.
Logo nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô (vòng tròn đỏ) của một hộ sản xuất là hội viên của Hội Làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Tâm Tâm |
Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Nước mắm Nam Ô từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô – sau hơn một năm đưa vào sử dụng và quảng bá đã nảy sinh một vài điều bất cập.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo Khoa học “Phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức hôm nay, 20-4-2021, ông Vinh cho biết sản lượng mắm Nam Ô các loại, từ nước mắm đến mắm ruốc, mắm ngắn ngày, hằng năm gia tăng đáng kể. Các hộ sản xuất kinh doanh dần nâng cao doanh thu, đóng góp cho địa phương và có cải thiện nhiều về mẫu mã.
Tuy nhiên, đơn hàng tiêu thụ số lượng lớn và nơi tiêu thụ ổn định vẫn chưa có nên việc từng hội viên sử dụng nhãn hiệu tập thể đôi khi gặp khó khăn. “Người tiêu dùng mua sản phẩm là chọn sản phẩm của hộ sản xuất có uy tín. Trong khi đó, khách du lịch thích mua sản phẩm của các điểm bán có trưng bày thuận tiện. Các hợp tác xã và doanh nghiệp khác thì sử dụng tên chung là Nước mắm Nam Ô kèm theo tên của mình”, ông Vinh nói và cho biết từ đó việc quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể của làng nghề truyền thống nước Nam Ô chưa được chặt chẽ.
Ông Vinh đề nghị các cấp liên quan hướng dẫn cải thiện quy chế quản lý nhãn hiệu sản phẩm làng nghề theo quy định pháp luật và tạo hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ để các nơi sản xuất khác không lạm dụng nhãn hiệu.
Bên cạnh vấn đề sở hữu trí tuệ, việc tiếp cận thị trường của sản phẩm này cũng là điều trăn trở của ông Vinh. Ông chia sẻ sản phẩm của làng nghề truyền thống không thể cạnh tranh lại các sản phẩm thay thế có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo công nghệ hiện đại, ngắn ngày.
“Chúng tôi mong kết hợp quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô cùng với du lịch sẽ đem lại lợi ích cho hội viên. Vì vậy, chúng tôi cần tập huấn cho hội viên để giúp khách du lịch biết thêm về quá trình sản xuất sản phẩm của làng nghề bằng thực tế hay hình ảnh minh họa”, ông Vinh chia sẻ.
Được biết hội thảo này trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” ban hành kèm Quyết định số 1142/GĐ-UBND ngày 31-3-2020.
Nhiều ý kiến được đưa ra tại hội thảo để đưa nước mắm Nam Ô đến gần hơn với người dân, khách du lịch. Ảnh: Tâm Tâm |
Tại hội thảo, các đại biểu đã rà soát quy chế quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của Làng nghề; trao đổi, thảo luận đề ra các giải pháp khắc phục các vấn đề hạn chế, vướng mắc nhằm phát triển sản phẩm gắn với nhãn hiệu tập thể của làng nghề Nước mắm Nam Ô; hướng đến góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề.
Nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu, như thống nhất sử dụng logo thương hiệu sản phẩm cho tất cả các thành viên bên cạnh tên riêng của mỗi hộ; cần có nơi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm chung của cả làng để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn; tập huấn, đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cho người dân…
Đến nay, làng nghề có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 62 hộ tham gia vào Hội làng nghề nước mắm truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, ba hợp tác xã và một doanh nghiệp. Nghề mắm đã tạo việc làm bền vững cho vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm thành phẩm.
Xem thêm: lmth.-o-man-mam-coun-eht-pat-ueih-nahn-ohc-neirt-tahp-gnouh-mit/395513/nv.semitnogiaseht.www