Một vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm trong những ngày gần đây là việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục cho biết sẽ phải dừng chạy tàu và không thể trụ vững đến hết tháng 4 này bởi không có kinh phí duy tu, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đến thời điểm này đã hết quý I và gần kết thúc tháng đầu tiên của quý II nhưng nguồn vốn duy tu, bảo trì hạ tầng đường sắt của năm nay vẫn chưa được giao về cho các đơn vị thực hiện.
Chưa giao vốn bảo trì đường sắt
Nhiều năm nay, nguồn kinh phí này vẫn được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao thẳng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện.
Thế nhưng từ năm 2020, Bộ GTVT lại thay đổi phương án, đó là giao về cho Cục đường sắt Việt Nam, sau đó Cục này sẽ đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan, bởi hiện Tổng công ty Đường sắt đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, được coi là doanh nghiệp ngoài ngành.
Gần 11.000 lao động đang đứng trước nguy cơ phải bỏ việc vì bị nợ lương. (Ảnh: VGP)
Năm 2020, trước sự nhùng nhằng trong việc giao vốn này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao vốn về cho Tổng công ty Đường sắt như thông lệ trước đây.
Sang đến năm nay, việc chậm giao vốn đang khiến 20 công ty công ích làm công tác bảo trì dần cạn kiệt nguồn lực để hoạt động. Gần 11.000 lao động cũng đang đứng trước nguy cơ phải bỏ việc vì bị nợ lương.
Cạn kiệt kinh phí bảo trì hạ tầng đường sắt
Là 1 trong 20 đơn vị công ích đường sắt có số lượng lao động lớn nhất, đại diện Công ty Đường sắt Hà Hải cho biết, trung bình mỗi quý, kinh phí bảo trì vào khoảng 40 tỷ đồng. Thế nhưng đã gần 4 tháng trôi qua, vốn vẫn chưa có khiến doanh nghiệp đứng trước rất nhiều áp lực.
"Hiện vốn của công ty chúng tôi chỉ có 13,8 tỷ, rất khó khăn trong việc cân đối chi tiêu chung của quý. Tài sản không có nhiều, vì vậy việc vay vốn hết sức khó khăn. Hạn mức vay vốn của chúng tôi đạt kịch điểm chỉ có 20 tỷ. Đến thời điểm này chúng tôi đã vay hết hạn mức để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, một phần chi trả vật tư, đóng góp bảo hiểm xã hội", ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, chia sẻ.
Hệ thống thông tin tín hiệu đầu não phục vụ chạy tàu phải đảm bảo thông suốt 24/24. Tuy nhiên, vốn để duy tu, bảo trì cho hệ thống này vẫn đang "tắc nghẽn".
Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội đang phải "gồng mình" để duy trì chạy tàu, nhưng nếu tiếp tục kéo dài sẽ buộc phải tính đến phương án đi vay ngân hàng.
"Từ đầu năm đến nay, do chưa ký được hợp đồng, chúng tôi đã phải liên hệ với các bạn hàng đối tác để tạm vay vật tư đảm bảo an toàn và nghĩ đến cách ban lãnh đạo phải đi vay kinh phí để chi trả tiền lương cũng như các chi phí thường xuyên của doanh nghiệp", ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, cho biết.
Ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu nếu không kịp thời được giao vốn. (Ảnh: VGP)
Cầu Thăng Long - một trong những cây cầu lớn nhất trên toàn tuyến, những năm trước vào thời điểm này, đã phải được thực hiện sơn sửa, thay mới các hạng mục đường sắt hư hỏng. Tuy nhiên, vì chưa có vốn nên đến nay công việc này vẫn chưa thể thực hiện.
"Nguy cơ lớn nhất là không có vật tư thay thế trong điều kiện chạy tàu với kết cấu hạ tầng đường sắt xuống cấp như thế này. Việc thứ hai là nguy cơ người lao động sẽ bỏ việc vì không có lương và mức thu nhập ổn định cho gia đình", ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, cho hay.
Với hạ tầng đường sắt đã xuống cấp nghiêm trọng, vốn duy tu, bảo trì chưa có, nguy cơ mất an toàn chạy tàu hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện đang có 2 phương án được đưa ra: Phương án 1 là Bộ GTVT vẫn tiếp tục giao vốn trực tiếp về cho Tổng công ty Đường sắt; phương án 2 là Bộ GTVT giao về cho Cục Đường sắt. Bộ GTVT đang lựa chọn phương án 2 vì cho rằng nó phù hợp với Luật Ngân sách và Nghị định 32. Sau khi có vốn, Cục Đường sắt sẽ thuê lại Tổng công ty Đường sắt và các công ty con thực hiện bảo trì hạ tầng.
"Cục và Bộ GTVT đề xuất chọn phương án Cục ký hợp đồng với 20 doanh nghiệp để trực tiếp thực hiện bảo trì và Cục ký hợp đồng đặt hàng với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để thực hiện giám sát công tác bảo trì theo kế hoạch và nguồn vốn Bộ duyệt", ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, nói.
Tuy nhiên, theo văn bản mới nhất của Bộ Tư pháp báo cáo lên Thủ tướng, cơ quan này nêu rõ phương án Bộ GTVT chọn là giao vốn về cho Cục Đường sắt chưa phù hợp với Luật Đường sắt 2017, không phù hợp với Luật Đấu thầu và Nghị định 46.
Cũng theo các chuyên gia, hiện có nhiều luật đang chi phối việc giao vốn bảo trì đường sắt. Tuy nhiên, Luật Đường sắt 2017 là luật ra đời sau và là luật chuyên ngành nên sẽ được ưu tiên để áp dụng.
Với những cơ sở pháp lý đã có, cộng với việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được nhà nước giao nhiệm vụ chính là kinh doanh, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nên Bộ Tư pháp khẳng định việc Bộ Giao thông giao thẳng vốn cho đơn vị này là hoàn toàn không trái với các quy định của pháp luật, còn nếu thêm một bước giao qua Cục Đường sắt thì lại phát sinh khâu trung gian không cần thiết.
Cần nghiêm túc tiếp thu để có phương án giao vốn bảo trì đường sắt
Những ý kiến góp ý này của Bộ Tư pháp cũng đã được Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải nghiêm túc tiếp thu đầy đủ.
Với hạ tầng đường sắt đã xuống cấp nghiêm trọng, vốn duy tu, bảo trì chưa có, nguy cơ mất an toàn chạy tàu hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. (Ảnh: PLO)
Tháng 2/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 908 yêu cầu Bộ GTVT phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp để khẩn trương hoàn thiện đề án quản lý sử dụng khai thác tài sản đường sắt, trong đó có việc giao vốn duy tu bảo trì.
Tuy nhiên, Bộ GTVT sau đó vẫn giữ quan điểm chọn phương án không giao vốn trực tiếp cho Tổng công ty Đường sắt. Đến tháng 3, một lần nữa, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục ra văn bản 1956 yêu cầu Bộ GTVT phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản trước.
Sau gần 1 tháng kể từ chỉ đạo mới nhất của Văn phòng Chính phủ, đến nay Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm là không thể giao vốn về cho Tổng công ty Đường sắt. Trong khi năm 2020, câu chuyện này đã được Chính phủ giải quyết bằng cách chỉ đạo Bộ GTVT giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện duy tu hạ tầng, đảm bảo an toàn chạy tàu, nhưng năm nay những vướng mắc cũ lại tiếp tục lặp lại.
Trong khi chờ đợi, hàng ngày, tàu vẫn phải chạy, hạ tầng vẫn mòn mỏi đợi vốn để đảm bảo khai thác an toàn và hàng chục nghìn lao động trong ngành cũng đang mòn mỏi chờ lương. Do đó, Bộ GTVT cần nhanh chóng chốt phương án cuối cùng, tránh để kéo dài quá lâu.
VTV.vn - Lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẳng định việc thực hiện giao dự toán ngân sách bảo trì hạ tầng đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam là theo đúng quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!