Phiên giao dịch chứng khoán ngày 20.4 khép lại VN-Index tăng 7,7 điểm đưa chỉ số vượt lên trên mốc 1.268 điểm. Đây là một phiên tiếp theo trong số vài phiên vừa qua, VN-Index được kéo tăng nhờ vào vài cổ phiếu trụ.
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 20.4, thị trường từ đầu phiên đến cuối phiên tăng điểm chủ yếu chỉ nhờ vào các mã trụ vốn hóa lớn như VCB, VNM, MWG, VHM, PDR. Khi những mã này tăng mạnh, VN-Index được kéo tăng mạnh theo. Khi những mã này gặp lực bán ra chốt lời mạnh điểm số tăng giảm nhiệt, đà tăng của chỉ số VN-Index cũng giảm xuống.
Thậm chí, khi đà tăng VN-Index giảm xuống do tác động của những cổ phiếu trụ trên, gặp làn sóng giảm điểm của những nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML tạo ra rung lắc mạnh kéo VN-Index giảm khá mạnh trong phiên.
Trước đó, phiên ngày 19.4, thị trường trong phiên sáng cũng tăng điểm xoay quanh đà tăng của các mã cổ phiếu lớn như MSN, VHM, HPG, PDR. Phải mãi đến phiên chiều, đà tăng lan tỏa rộng ra khắp nhóm VN30 giúp cho VN-Index về cuối phiên tăng hơn 20 điểm.
Tuy nhiên vào phiên ngày trước đó nữa 16.4 thì thị trường không được như vậy, mà tình hình gần giống với phiên ngày 20.4. Phiên này, chỉ số VN-Index tăng nhờ vào các mã lớn VIC, MSN, NVL, PDR. Nhưng khi đà tăng của các mã này giảm nhiệt, chỉ số chung lập tức đảo chiều giảm điểm. Kết phiên giảm đến hơn 8 điểm.
Còn phiên ngày 15.4, VN-Index mất 8,62 điểm khi kết phiên, thị trường lại chỉ chủ yếu dựa vào các mã lớn quen thuộc là MSN, VIC, VHM, NVL, SAB. Và cũng như phiên ngày 16.4, về cuối phiên khi các cổ phiếu trụ giảm đà tăng, VN-Index lại nhuốm màu đỏ giảm điểm.
Trong khoản một tuần giao dịch trở lại đây, các mã cổ phiếu trụ như VIC, VHM, MSN, NVL, PDR được ví như những đầu kéo nhiều mã lực gần như phải kéo cả thị trường đi lên.
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, trạng thái tăng điểm của VN-Index chỉ dựa vào vài cổ phiếu trụ trong vài phiên vừa qua đang chứa đựng rủi ro. Bởi khi các cổ phiếu trụ này yếu dần hoặc hết xung lực tăng điểm, thị trường dễ rơi vào điều chỉnh ngắn hạn.
Hơn nữa, khi cả sàn chỉ có vài cổ phiếu trụ tăng điểm mạnh và VN-Index trông chờ vào đó để giữ được sắc xanh, thường sẽ tạo ra các phiên tăng “xanh vỏ đỏ lòng” (số mã tăng điểm ít hơn số mã giảm điểm), độ rộng thị trường tiêu cực, xu hướng tăng điểm không bền vững.
Chính vì thế, theo bà Kim, với trạng thái thị trường như vậy nhà đầu tư nên thận trọng. Ưu tiên hơn hết lúc này là hạ tỉ trọng đưa tài khoản về mức an toàn, nếu nhà đầu tư có sử dụng giao dịch kí quĩ (margin) thì nên giảm dần tỉ lệ, còn nếu chưa sử dụng thì cần hạn chế.
Thị trường được cho rằng vẫn đang trong xu hướng tăng nhưng rủi ro ngắn hạn đang tăng dần. Đặc biệt khi chỉ số tiến vào thử thách vùng kháng cự quanh 1.300 điểm nếu không thành công rất dễ bị điều chỉnh quay trở về vùng 1.200-1.220 điểm trước khi tăng trở lại.
Tuy nhiên theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, thị trường rất có thể sẽ tiếp tục bị chi phối bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn trong một vài phiên tới, cùng với đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Xem thêm: odl.918009-meid-gnat-ed-oek-uad-iav-oav-ohn-xedni-nv-ihk-yul-eh-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal