Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục, tín dụng quí 2 sẽ tiếp đà tăng
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Tiếp tục xu hướng giảm trong tháng ba khiến cho lãi suất huy động hiện nằm trong vùng thấp nhất lịch sử của ngành ngân hàng. Mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhanh hơn lãi suất cho vay nhưng tín dụng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hình minh họa: TTXVN |
Lãi suất vẫn giữ ở mặt bằng thấp kỷ lục
Thống kê chung cho thấy lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian qua. Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán Bảo Việt vào đầu tháng 4, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm trong tháng ba vừa qua ở cả hai nhóm kỳ hạn sáu tháng và một năm với phần lớn các ngân hàng.
Cụ thể, lãi suất bình quân giảm về mức 4,8% và 5,6%/năm vào cuối tháng 3, tương ứng mức giảm 5 và 8 điểm cơ bản. Trong đó, nhóm Ngân hàng có gốc quốc doanh có mức giảm mạnh nhất.
Còn theo báo cáo chiến lược quí 1 của Công ty chứng khoán SSI, lãi suất huy động trong quí trước hầu hết giữ nguyên ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Một số ngân hàng thương mại có điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ, nhưng cũng chỉ từ 10-40 điểm cơ bản. Vào năm 2020, lãi suất tiền gửi đã giảm đến 200-250 điểm cơ bản, trong đó quí 3 là giảm mạnh nhất.
“Mặt bằng lãi suất vẫn ở vùng thấp lịch sử. Lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng nhẹ từ 30-50 điểm cơ bản vào nửa cuối năm 2021, tuy nhiên về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định”, nhóm phân tích của SSI đánh giá.
Trước đó, theo báo cáo khảo sát Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quí 2- 2021 của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), nhiều tổ chức tín dụng vẫn dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quí 2-2021 và cả năm 2021. Theo đó, lãi suất cơ bản được kỳ vọng xoay quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020.
Tương tự, thanh khoản trong năm nay được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, dù có thể không dồi dào bằng năm 2020 do kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19. Còn trong tuần qua, báo cáo của SSI cho biết thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân tăng nhẹ 4-9 điểm cơ bản.
Tín dụng quí 2 tiếp đà tăng
Đáng chú ý là so với đầu năm, tín dụng quí 1 tăng ở mức 2,93%, cao hơn nhiều so với con số 1,31% cùng kỳ. Tín dụng trong quí 2 này dự kiến sẽ tiếp tục được kỳ vọng tăng tốc.
Theo báo cáo khảo sát Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD, dư nợ tín dụng của hệ thống dự báo tăng tăng đến 5,09% trong quí 2-2021 và tăng 14,7% trong năm 2021, điều chỉnh tăng so với mức 13% ở kỳ khảo sát trước đó.
So với kết quả ghi nhận trong kỳ điều tra tháng 12-2020, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và nhóm công ty tài chính, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Đáng lưu ý, tín dụng quí 1 tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất cho vay ở hầu hết các ngân hàng vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020, theo khảo sát của SSI. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động trong quí 1 tiếp tục xu hướng giảm, nên càng kéo dãn giữa mức chênh lệch hai lãi suất. Trong năm ngoái, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%).
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14-4 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Còn tại buổi làm việc với ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng kịch bản bản ứng phó với dịch Covid-19, cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay tránh gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Xem thêm: lmth.gnat-ad-peit-es-2-iuq-gnud-nit-cul-yk-paht-taus-ial-gnab-tam/995513/nv.semitnogiaseht.www