Một phụ nữ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Johnson & Johnson ở thành phố Chicago, Mỹ ngày 6-4 trước khi vắc xin này bị tạm dừng để tìm hiểu về biến chứng đông máu hiếm gặp sau tiêm - Ảnh: REUTERS
Khoảng một năm trước, các bác sĩ ở Mỹ bắt đầu nhận thấy có nhiều bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu vì đột quỵ. Các cục máu đông làm tắc nghẽn máy lọc máu và các thiết bị khác khi điều trị cho họ.
Các phòng chăm sóc đặc biệt cũng ghi nhận tình trạng xuất hiện các cục máu đông lớn "khủng khiếp" trong tim, gan và các bộ phận khác ở người bệnh COVID-19.
Khám nghiệm tử thi các bệnh nhân chết vì COVID-19 ở thành phố New Orleans, bang Louisiana (Mỹ) cho thấy phổi của họ bị tắc nghẽn vì các cục máu đông. Một số người trẻ, khỏe cũng bị đột quỵ nặng do COVID-19.
Bác sĩ Alex Spyropoulos - giáo sư tại Viện nghiên cứu y học Feinstein ở New York - cho biết: "Là một chuyên gia về đông máu, tôi có thể nói COVID-19 là căn bệnh gây đông máu nhiều nhất mà chúng tôi từng biết đến trong sự nghiệp của mình".
Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đông máu, ông Spyropoulos và các đồng nghiệp thấy nếu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bằng thuốc làm loãng máu thì có thể làm giảm đáng kể hoặc thậm chí ngăn ngừa các cục máu đông.
Trong khi đó, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể ngăn ngừa các cục máu đông này hoàn toàn do giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19 của người được tiêm.
Vì vậy, theo Đài CNN, các bác sĩ đang cảm thấy thật trớ trêu khi tâm lý sợ hãi về biến chứng đông máu hiếm gặp hiện rất phổ biến và khiến nhiều người sợ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì nỗi lo này.
Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) đã khuyến cáo tạm ngừng tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Hãng Johnson & Johnson để chờ điều tra về nguy cơ liên quan biến chứng đông máu và cách xử lý sau khi có 6 phụ nữ bị đông máu sau khi tiêm vắc xin.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 20-4 cho biết họ đã tìm thấy mối liên hệ có thể có của việc tiêm vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson và biến chứng đông máu sau tiêm, nhưng khẳng định lợi ích tổng thể của vắc xin vẫn lớn hơn rủi ro.
EMA khuyến cáo hiện tượng "cục máu đông bất thường với lượng tiểu cầu trong máu thấp" phải được ghi trong cảnh báo về "tác dụng phụ rất hiếm gặp" của vắc xin.
Mặc dù có rủi ro đến từ việc tiêm vắc xin, phần lớn các chuyên gia đều đồng thuận rằng mức rủi ro này là vô cùng thấp.
Bác sĩ Spyropoulos so sánh trên CNN: "Xác suất bị biến chứng đông máu sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng giống như xác suất ai đó bị sét đánh trúng vậy, vô cùng thấp".
Theo CDC Mỹ, trong y khoa nói chung, hiện tượng đông máu là rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 900.000 người Mỹ mỗi năm, và làm khoảng 100.000 người tử vong.
Theo số liệu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đông máu đặc biệt phổ biến ở não với khoảng 795.000 người bị đột quỵ mỗi năm.
Bác sĩ Mark Crowther, một nhà huyết học và chuyên gia về huyết khối của Hiệp hội Huyết học Mỹ, cho biết các yếu tố nguy cơ gây ra cục máu đông thông thường là do phẫu thuật, tai nạn, điều trị ung thư và thậm chí ngồi quá lâu. Nhưng nhiễm virus gây bệnh COVID-19 đã tăng các yếu tố nguy cơ này lên đáng kể.
"Không có gì phải nghi ngờ, vắc xin phòng COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ hình thành bất cứ cục máu đông nào liên quan đến COVID-19", bác sĩ Mark Crowther nói.
TTO - Cơ quan Dược phẩm châu Âu nói rằng đông máu nên được liệt kê là tác dụng phụ "rất hiếm" của vắc xin AstraZeneca. Họ đánh giá lợi ích mà vắc xin ngừa COVID-19 này mang lại vẫn lớn hơn nguy cơ.
Xem thêm: mth.38615501112401202-91-divoc-nix-cav-meit-nen-neyuhk-uam-gnod-aig-neyuhc-oas-iv/nv.ertiout