Mỹ nhập siêu cao từ Việt Nam, mừng ít lo nhiều
Lê Hoàng
(KTSG Online) - Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ đang tăng mạnh, khi kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ trong quí I tăng đến 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 22,24 tỉ đô la, bỏ xa thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì là Trung Quốc (12,56 tỉ đô la).
Lượng hàng hóa từ Việt Nam xuất đi Mỹ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021. Ảnh minh họa hoạt động xuất nhập khẩu tại một cảng lớn trong nước. Ảnh: Thu Hằng |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong ba tháng vừa qua, cả nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 22,24 tỉ đô la Mỹ, bỏ xa thị trường xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ hai là Trung Quốc.
Trong cùng khoảng thời gian nêu trên, Trung Quốc chỉ nhập hàng từ Việt Nam với kim ngạch đạt 12,56 tỉ đô la, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vẫn giữ được đà tăng đã có từ năm trước. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,65 tỉ đô la. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch hơn 77 tỉ đô la, Trung Quốc đứng thứ nhì với gần 49 tỉ đô la. |
Nhu cầu hàng hóa gia tăng trong thời dịch bệnh
Với mức tăng trưởng nhu cầu mua hàng như nêu trên, Mỹ đã trở thành thị trường tăng trưởng kim ngạch mạnh nhất trong số các quốc gia và lãnh thổ mua hàng hóa của Việt Nam hiện nay.
Số liệu của cơ quan hải quan cho thấy Mỹ tăng nhập khẩu nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử như nhóm sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ với tổng kim ngạch đạt 2,86 tỉ đô la, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, trong cùng thời gian trên Mỹ nhập khẩu trị giá đạt 4,36 tỉ đô la, tăng 2,8 ti đô la (tương ứng tăng 2,7 lần) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện dù trong quí vừa qua, thị trường nhập khẩu từ Mỹ có sụt giảm nhẹ 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, đạt 2,48 tỉ đô la, chỉ sau thị trường Trung Quốc (3,22 tỉ đô la).
Trong quí 1, Việt Nam xuất sang Mỹ với giá trị là 22,24 tỉ đô la, trong khi nhập khẩu từ thị trường này là 3,72 tỉ đô la. |
Đối với những nhóm mặt hàng truyền thống mà Việt Nam lâu nay có thế mạnh như hàng dệt may, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 3,51 tỉ đô la, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Hay giày dép các loại, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chính nhập khẩu trong quý 1-2021 với trị giá tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,92 tỉ đô la.
Chỉ trong quí 1-2021, Việt Nam xuất siêu vào thị trường Mỹ hơn 18,5 tỉ đô la trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này là 22,24 tỉ đô la. Ảnh minh họa: TL |
Từ câu chuyện hàng loạt chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn tăng mạnh và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Có một sự khác biệt lớn giữa hai thị trường xuất khẩu lớn nhất - nhì của Việt Nam hiện nay. Dù Mỹ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Việt Nam nhưng ở chiều ngược lại đất nước này đưa hàng hóa vào Việt Nam trong quí vừa qua dù có tăng được 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng chỉ đạt trị giá 3,72 tỉ đô la. Như vậy, với thị trường xứ cờ hoa này, Việt Nam đã xuất siêu đến 18,52 tỉ đô la trong quí 1-2021. Trong khi đó, cùng thời gian này, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc với tổng giá trị lên đến 24,34 tỉ đô la, tức nước ta đã nhập siêu đến 11,78 tỉ đô la từ nguồn cung Trung Quốc trong quí vừa qua. |
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... cũng cho biết họ có nhiều đơn hàng xuất khẩu quay trở lại.Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết họ có số lượng đơn hàng tăng hơn so với thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện.
Nguyên nhân được cho là nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam thực hiện,hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến đứt gãy nguồn cung trong khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, việc sản xuất vẫn duy trì ổn định nên đã trở thành một lựa chọn mới cho các nhà mua hàng từ Mỹ.
Việt Nam cũng nổi lên như thị trường hưởng lợi từ căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung khi hàng loạt chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc.
Dù đánh giá các lợi ích này là ngắn hạn, nhưng Wall Street Journal cho rằng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam vẫn ở mức cao trong một thời gian. Việc Mỹ được dự báo tăng trưởng 6,5% trong 2021 sẽ giữ nhu cầu nhập khẩu của nước này tăng mạnh, thúc đẩy các công ty Việt Nam tập trung xuất khẩu.
Việt Nam cũng có thể là một trong số những nước được hưởng lợi khi Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế mới nhất, hỗ trợ tiêu dùng.
Theo báo Wall Street Journal, Việt Nam dù tham gia sâu vào thương mại toàn cầu với độ mở kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới, gần 200% GDP, ít bị ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực có thể phải cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn các thiệt hại kinh tế phát sinh do dịch bệnh.
Đồ gỗ là một trong nhóm ngành hàng Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu tăng cao vào thị trường Mỹ giữa dịch. Ảnh minh họa: TL. |
Cho đến câu chuyện cơ hội và rủi ro song hành
Việc Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng tốt nhất cơ hội từ thị trường này cũng như vượt qua được những rủi ro là bài toán đang được đặt ra.
Đơn cử như các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, trái cây... đến nay vẫn chỉ xuất khẩu với số lượng rất nhỏ sang thị trường Mỹ. Nguyên nhân là tiêu chuẩn chất lượng không đạt yêu cầu; các mặt hàng nông sản hiện chủ yếu xuất khẩu thô sang Trung Quốc.
Điều này đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân, nhà sản xuất phải thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng về các tiêu chuẩn của Mỹ đặt ra như mã số vùng trồng, rau quả tươi phải được chiếu xạ, nhà máy đóng gói phải đạt chuẩn do Mỹ cấp...
Theo giới phân tích, còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nếu muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, thói quen của người dùng thay đổi. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải kịp thời nhận biết xu hướng này.
Ngoài việc chuẩn bị năng lực sản xuất, điều kiện tham gia thị trường, doanh nghiệp còn phải đáp ứng đúng nhu cầu mới của thị trường như mua sắm trực tuyến, thiết kế sản phẩm, đóng gói bao bì thế nào để tận dụng ngay thị trường khi cơ hội mở ra sau đại dịch.
Đáng chú ý, với thị trường Mỹ, khi tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng Mỹ rất quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng nhiều lần khuyến cáo Việt Nam cần phải cẩn trọng để không trở thành nạn nhân đáng tiếc trong việc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba.
Trao đổi với KTSG Online về vấn đề tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ vào thị trường Mỹ giữa bối cảnh dịch Covid, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM (HAWA), vừa thể hiện niềm vui về ngành gỗ phát triển nhưng cũng đồng thời lo lắng việc tăng cao xuất khẩu khiến phía Mỹ sẽ chú ý đến thị trường Việt Nam để kiểm soát.
Trên thực tế thời gian qua có không ít ý kiến lo ngại ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng”, đầu tư “chui” của một số nhà đầu tư ngoại ở thị trường Trung Quốc nhằm lẫn tránh thuế cao do Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại mà phía Mỹ sẽ có các biện pháp hành động trừng phạt hoặc phòng vệ thương mại.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại về việc rủi ro với xuất khẩu vào thị trường Mỹ và dẫn lại bài học khi cuối năm 2020, Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Rất may sau đó, Việt Nam đã chứng minh và được phía Mỹ chấp nhận, không áp dụng biện pháp trừng phạt.
Đây là câu chuyện đã được cảnh báo từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Trong bối cảnh là nước xuất siêu sang Mỹ, Việt Nam sẽ dễ bị nghi ngờ làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc nhằm né thuế xuất sang Mỹ.
Bên cạnh đó còn là những lo ngại về việc khó có thể cải thiện, điều hòa cán cân thương mại với các nước trong Hiệp định khi Việt Nam đang nhập siêu từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, nhưng lại đang xuất siêu lớn sang Mỹ. Và các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…, không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn các thị trường khác trong tương lai sẽ là nguy cơ xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại 2 hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nông nghiệp và ngành công thương vào cuối năm 2020, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan tới rủi ro gian lận thương mại. Người đứng đầu Chính phủ khi đó khẳng định, Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Ở phía doanh nghiệp thì mong rằng chính phủ cần điều tiết để làm sao kéo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Mỹ không còng khoảng cách quá lớn.
Việt Nam xuất siêu gần 2,8 tỉ đô la trong quí 1-2021 Trong qúi 1-2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 154 tỉ đô la, tăng 25,2% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 78,4 tỉ đô la, tăng 23,7%, tương ứng tăng hơn 15 tỉ đô la và nhập khẩu đạt 75,61 tỉ đô la, tăng 26,8%, tương ứng tăng 15,98 tỉ đô la. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư của cả nước thặng dư gần 2,8 tỉ đô la. |
Xem thêm: lmth.ueihn-ol-ti-gnum-man-teiv-ut-oac-ueis-pahn-ym/206513/nv.semitnogiaseht.www