Cô Trịnh Lê Ngọc Vân, GVCN lớp 9/10 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM, hướng dẫn phụ huynh cách ghi hồ sơ tuyển sinh lớp 10 năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy nhiên, số học sinh lớp 9 dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS vào tháng 5-2021 là 99.000 em, tăng hơn 2.000 học sinh so với năm 2020. Như vậy, khó có thể có một kỳ thi "dễ thở" như nhiều học sinh mong muốn.
Tăng mà... không tăng
"Mới nhìn sơ qua, nhiều học sinh lầm tưởng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chuyên của TP.HCM có tăng nhưng thực chất là không tăng. Tổng chỉ tiêu lớp 10 chuyên năm nay là 1.680 học sinh, tăng 35 em là do Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mở lớp chuyên tin học. Các trường còn lại vẫn giữ nguyên chỉ tiêu" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP cho biết.
Năm nay, TP.HCM có 13 trường THPT tuyển sinh lớp 10 tích hợp, tăng 1 trường so với năm ngoái nhưng tổng chỉ tiêu vẫn giữ nguyên là 980 học sinh. Trong đó, Trường THPT Võ Thị Sáu giảm chỉ tiêu 35 em. Chỉ tiêu này được chuyển qua Trường THPT Thủ Đức, đây cũng là trường đầu tiên có tuyển sinh lớp 10 tích hợp trong năm 2021. Còn 11 trường nổi tiếng còn lại như: Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền... không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh.
Về tuyển sinh lớp 10 thường, tổng chỉ tiêu của toàn TP là 65.329 học sinh. Ngay các trường tốp đầu cũng đã có biến động như: Trường THPT Gia Định giảm 45 học sinh, Trường Nguyễn Thượng Hiền tăng 90, Trường Bùi Thị Xuân tăng 45 học sinh...
Bên cạnh đó, các trường tốp sau cũng có tăng nhẹ chỉ tiêu (từ 45-90 học sinh) như Trường Ernst Thälmann, Lương Thế Vinh (quận 1); Nguyễn Trãi (quận 4); Trần Khai Nguyên, Trần Hữu Trang (quận 5); Trần Quang Khải (quận 11); Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình)...
Ngoài ra, một số trường "hot" ở các quận, huyện vẫn giữ nguyên chỉ tiêu như Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Nguyễn Du (quận 10), Hùng Vương (quận 5), Nguyễn Hiền (quận 11)...
Thế nhưng, điểm đáng lưu ý nhất trong mùa tuyển sinh năm nay là khá nhiều trường nổi tiếng giảm chỉ tiêu tuyển sinh như: Trường THPT Marie Curie (Q.3) giảm 265 học sinh, Trường Trần Phú (Q.Tân Phú) giảm 125 học sinh, Trường Nguyễn Khuyến (Q.10) giảm 135 học sinh...
"Liệu cơm gắp mắm"
Theo cô Uyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở TP Thủ Đức, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường THPT là cơ sở quan trọng để thí sinh cân nhắc chọn nguyện vọng vào lớp 10. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.
"Tôi vẫn nói với học sinh của mình rằng căn cứ quan trọng nhất là lực học và khả năng làm bài thi của bản thân các em. Hai năm trước, khi thấy 1 trường THPT trên địa bàn tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thế là đa số học sinh trường tôi đăng ký nguyện vọng vào trường đó. Trong đó có cả những em có học lực thấp hơn "đầu vào" của trường. Số thí sinh dự thi tăng khiến cho năm đó dù trường có chỉ tiêu tăng nhưng điểm chuẩn cũng tăng theo chứ không giảm" - cô Uyên nói.
Thầy Bảo, giáo viên ở Q.3, cũng nhận định: "Khi đăng ký nguyện vọng, các học sinh cần "liệu cơm gắp mắm" sao cho ngôi trường mình chọn phù hợp với khả năng học tập của bản thân. Nhiều học trò của tôi bàn với nhau là đăng ký vào Trường THPT Marie Curie vì trường đó có chỉ tiêu tuyển cao nhất, nhì thành phố. Các em đâu biết rằng Marie Curie là ngôi trường được rất nhiều học sinh khá chọn lựa làm nguyện vọng 1 và học sinh giỏi chọn làm nguyện vọng 2, 3. Nó tương tự như Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Trường THPT Hùng Vương, đi đôi với chỉ tiêu thì số thí sinh đăng ký vào các trường này cũng rất khủng".
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra lời khuyên: "Khi chọn nguyện vọng vào lớp 10, các học sinh cần căn cứ vào lực học năm lớp 9 của mình. Nguyện vọng 1 sẽ là trường THPT có "đầu vào" tương đương với điểm trung bình xếp loại học lực năm lớp 9 của thí sinh. Nguyện vọng 2 là trường có đầu vào thấp hơn nguyện vọng 1 từ 3-4 điểm. Nguyện vọng 3 là trường có đầu vào thấp hơn nguyện vọng 2 từ 3-4 điểm".
Theo ông Nam, khi chọn nguyện vọng, học sinh cần tránh các trường hợp sau: chọn cả 3 nguyện vọng vào cùng 1 trường; chọn nguyện vọng 2, 3 là trường có điểm chuẩn tương đương với trường của nguyện vọng 1; chọn nguyện vọng 1 lại là trường có điểm chuẩn thấp hơn trường của nguyện vọng 2, 3.
3 môn thi bình đẳng nhau
Năm nay số môn thi vào lớp 10 không thay đổi, vẫn là ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Tuy nhiên thời gian làm bài môn ngoại ngữ từ 60 phút (năm trước) nay tăng lên 90 phút; thời gian làm bài môn ngữ văn, toán vẫn là 120 phút. Điểm mới của năm nay là hệ số điểm bài thi toán, ngữ văn và ngoại ngữ đều có hệ số 1, chứ không nhân hệ số 2 cho môn ngữ văn, toán như năm trước.
Ngày thi: 2 và 3-6
Đối tượng được dự thi tuyển sinh vào lớp 10 là học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi quy định. Như vậy, học sinh không có hộ khẩu TP.HCM nhưng học THCS ở TP.HCM vẫn được dự thi.
Thí sinh sẽ được đăng ký ba nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 thường các trường THPT công lập và 4 nguyện vọng ưu tiên vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Các học sinh không dự tuyển vào lớp 10 chuyên có thể đăng ký thêm 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp nếu muốn.
Để dự thi vào lớp 10 chuyên, học sinh phải có xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên; tốt nghiệp THCS loại giỏi (riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được nhận học sinh tốt nghiệp THCS ở các tỉnh khác dự thi).
Các thí sinh sẽ làm bài thi vào ngày 2 và 3-6.
TTO - Chiều 20-4, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của từng trường THPT công lập năm học 2021-2022.
Xem thêm: mth.84592022212401202-oht-ed-gnohk-gnuhn-gnat-ueit-ihc-mch-pt-iat-01-pol-hnis-neyut/nv.ertiout