Sáng 22-4, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sai phạm của cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm tại khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Vụ án này, ông Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công thương) và ông Phan Chí Dũng (nguyên vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Riêng bà Thoa bỏ trốn, hiện cơ quan điều tra đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra và truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Tám người còn lại bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó giám đốc Sở KKH&ĐT TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM)…
Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Tại phần thủ tục, HĐXX cho biết bị cáo Nguyễn Hữu Tín không đến toà và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Chủ tọa sau đó công bố lý lịch bị cáo trước toà.
Bộ Công Thương được xác định là nguyên đơn dân sự. Ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng vụ Công nghiệp Bộ Công Thương đến tham dự phiên toà theo giấy ủy quyền của Bộ trưởng.
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập ông Nguyễn Nam Hải, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương với tư cách là nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên ông Hải vắng mặt.
Về phía mình, trả lời thẩm vấn, ông Vũ Huy Hoàng chống hai tay lên bục khai báo, trả lời rõ ràng từng câu hỏi của chủ tọa. Ông Hoàng nói nghề nghiệp trước khi bị khởi tố là cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ông Hoàng cho hay bản thân đang mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, bị cáo vẫn chấp hành đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người được xét xử theo quy định pháp luật và sẽ cố gắng đến tham dự phiên toà.
“Tôi xin HĐXX cho tôi được ngồi, trừ trường hợp bắt buộc phải đứng theo thủ tục quy định. Ngoài ra, bị cáo xin phép được dùng thuốc và có sự hỗ trợ của y tế trong thời gian tham dự phiên toà”, ông Hoàng nói.
Sau 10 phút hội ý, HĐXX thông báo trong quá trình xét xử sẽ tiếp tục triệu tập những người vắng mặt. Đối với bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, HĐXX sẽ công bố lời khai.
Kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS công bố bản cáo trạng dài 36 trang truy tố các bị cáo.
Đây là vụ án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Hầu hết các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công thương và UBND TP.HCM.
Cáo trạng cho thấy Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, thuộc Bộ Công thương quản lý) được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích 6.080 m2) dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl đầu tư thực hiện dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" tại khu đất trên.
Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp.
Các hành vi trên dẫn tới hậu quả quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.
Về phía mình, ông Nguyễn Hữu Tín cùng các cán bộ sở, ban ngành thuộc UBND TP.HCM đã quyết định giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê đất không đúng đối tượng, không qua đấu giá, trái quy định pháp luật đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.