Sáng nay (22/4), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam" ngày hôm nay. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) với sự tài trợ của Bộ Thương mại và Ngoại giao Australia.
Đáng chú ý tại Hội thảo, CIEM đã công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023. 3 kịch bản này được xây dựng trên 3 tiêu chí Bình thường; Nới lỏng tài khóa và tiền tệ; Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế. Đáng chú ý, 3 kịch bản này đều được xây dựng trong điều kiện, Việt Nam kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021.
3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 của CIEM
- Kịch bản 1 (Bình thường): CIEM dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,98%, cùng tỷ lệ lạm phát 3,51%. Mức tăng trưởng sẽ tăng lên 6,45% và 6,61% trong các năm 2022 và 2023.
- Kịch bản 2 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ): Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,43% năm 2021. Với việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, CIEM dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3,78%. Bước sang năm 2022, 2023, mức tăng trưởng mà CIEM dự báo lần lượt là 6,8% và 6,83%.
- Kịch bản 3 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế): Kịch bản này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,47%. Dù mức tăng trưởng cao hơn song đáng chú ý, CIEM dự báo mức lạm phát trong năm 2021 chỉ là 3,56%. Kinh tế trong năm 2022 và 2023 được đẩy lên mức: 6,88% và 6,92%.
Theo CIEM, nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với đó là áp lực lạm phát lớn hơn. Còn nếu nới lỏng tài khóa và tiền tệ song hành với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.
"Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi thế giới còn nhiều bất định", ông Nguyễn Anh Dương - Trương ban Ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trương ban Ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng của CIEM cho rằng mặc dù Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở nền kinh tế một cách an toàn. Song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.
Theo bà Minh, những thành công nhất định trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ từ năm 2020 cho đến nay, thể hiện ở những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, những phản ứng chính sách kịp thời hay hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định đã góp phần vào thành công của kiểm soát đại dịch COVID-19.
"Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng", bà Minh nhận định.
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng của CIEM
Trong báo cáo, CIEM đã đề xuất lộ trình cải cách trong giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, năm 2021, tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Sang năm 2022, kết hợp giải pháp lục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Đến năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.
Nói thêm về vấn đề cải cách thể chế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, một trong những luật định chúng ta cần bổ sung, sửa đổi là Luật Đất đai. Tiếp theo đó là cần tập trung phát triển kinh tế số.
"Cải cách thể chế phải gắn liền với kinh tế số: Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, kết nối với nhau, bớt những tiếp xúc cá nhân, tăng tính công khai minh bạch. Nếu doanh nghiệp không chuyển đối số khó có thể tiếp cận các chuỗi giá trị của doanh nghiệp Nhật Bản hay Trung Quốc.
Chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều nông sản nhưng chưa đầy 1% số nông sản xuất sang theo con đường chính ngạch. Mà phần lớn bằng đường tiều nghạch. Qua tiểu ngạch thì giá cả kém, nhiều khó khăn… Do vậy phát triển kinh tế số để kết nối với các đối tác sẽ là một bước tiến trong quá trình cải cách thể chế", ông Doanh cho biết.
Theo "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp" nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).
Theo "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp", tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh dường như chậm lại so với các năm trước
Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.
Đánh giá về Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Song môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32941141122401202-et-hnik-gnourt-gnat-nab-hcik-3/et-hnik/nv.vtv