Tỉ phú Trần Đình Long: 'Sản xuất container từ thép nhập thì coi như thua'
Lan Nhi
(KTSG Online) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ sớm đưa dự án sản xuất vỏ container rỗng ra thị trường từ quý 2 năm sau. Theo ông Long, Hòa Phát có nhiều lợi thế trong dự án này, trong đó việc chủ động nguồn nguyên liệu được xem là yếu tố quyết định.
Sản phẩm thép HRC, đầu vào của dự án sản xuất vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh:TL |
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2021 của Tập đoàn Hòa Phát, diễn ra hôm 22-4 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đã trả lời câu hỏi của cổ đông xung quanh dự án sản xuất vỏ contaner có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Đây là dự án mới được Hòa Phát nhanh chóng công bố tại thời điểm cả thế giới khan hiếm vỏ container vì dịch bệnh, gây ách tắc thị trường xuất khẩu.
Theo ông Long, hiện nay Trung Quốc đang chiếm trên 90% thị trường sản xuất container toàn cầu. Nhưng toàn thế giới sản xuất 3 triệu container thì 50-60% đơn vị sản xuất không liên quan đến ngành vận tải biển. Hòa Phát bước chân vào lĩnh vực này có nhiều yếu tố thuận lợi như trên 60-70% giá thành container phụ thuộc vào thép, loại thép đặc biệt, kháng thời tiết. Hòa Phát đã có nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất contaner. “Sản xuất container là ngành đặc thù, nếu nhập khẩu về sản xuất coi như thua”, ông Long khẳng định.
Hơn nữa, sau khi Trung Quốc có GDP đầu người vượt 10 ngàn đô la Mỹ/năm thì chi phí lao động Trung Quốc tăng rất nhanh trong các ngành sử dụng nhiều lao động mà không cần quá nhiều chất xám. GDP/đầu người hàng năm của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 Trung Quốc nên Việt Nam đang “hứng” chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang. Nên chi phí sản xuất container (bao gồm cả chi phí lao động), cộng với sự chủ động nguyên liệu hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Trung Quốc.
Hơn nữa, chính Hòa Phát đang xuất khẩu thép vào thị trường Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang xuất khẩu thép ra thế giới. Thứ ba là nhu cầu container đang tăng rất nhanh. Hòa Phát cho biết, hôm 12-4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần sản xuất container Hòa Phát để tập đoàn này khởi công xây dựng dự án trong tháng 6-2021.
Dự án đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng (Tân Phước, Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 3.000 tỉ đồng, sản xuất quy mô công suất 500.000 TEU/năm, tập trung vào các sản phẩm container phổ biến có chiều dài 20 - 40 feet. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000-200.000 TEU/năm. Đầu vào cho dự án sản xuất container là 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC đang được sản xuất tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát tại Dung Quất.
Dự án sản xuất vỏ container được đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu vì nằm gần Cụm cảng nước sâu số 5 Nam Bộ, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải, thuận tiện cho việc đưa container xuống tàu.
Hoà Phát kỳ vọng với quy mô sản xuất lớn, lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu cùng với kinh nghiệm điều hành sản xuất sẽ giúp đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm vỏ container rỗng, có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc - quốc gia đang chiếm 90% sản lượng container toàn cầu. Trong đó, riêng CIMC (có trụ sở tại Thâm Quyến) chiếm đến một nửa sản lượng container toàn thế giới.
Dự kiến quí 2-2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường.