vĐồng tin tức tài chính 365

Chính phủ điện tử, chỉ số PAPI và quốc gia 4.0

2021-04-22 16:45

Chính phủ điện tử, chỉ số PAPI và quốc gia 4.0

Hiệu Minh

(KTSG) - Báo cáo PAPI 2020 (Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) không đơn giản chỉ là các con số thống kê đơn thuần, chỉ số này tăng, chỉ số kia giảm, mà tổng các con số tăng giảm đó là chỉ số đo lòng dân đưa chính phủ điện tử tới thành công và mở đầu cho quốc gia số thời 4.0.

Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức. Ảnh: ĐNRTV

PAPI là báo cáo khoa học nhằm đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân thông qua nội dung thăm dò chính gồm 8 tiêu chí: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; (8) và Quản trị điện tử.

Tám tiêu chí này được thu thập dựa trên chọn mẫu khoa học sẽ tạo ra bức tranh tổng thể về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công từ góc nhìn và trải nghiệm của người dân. Với 8 chỉ số nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần, 120 tiêu đề chính và thể hiện bằng 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam, suy cho cùng đó là lòng dân được thể hiện qua những con số PAPI.

Từ năm 2018 đến nay, báo cáo PAPI do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ireland và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tài trợ. Dù dịch Covid-19 nhưng báo cáo vẫn đến hẹn lại lên.

Báo cáo PAPI năm 2020 với những con số 0 được vẽ biểu tượng như con virus gây ra đại dịch Covid-19, vừa được công bố ở hội thảo ngày 14-4 tại Hà Nội. Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung.

Nhưng báo cáo cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện. Đặc biệt, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (chỉ số nội dung thứ 4) được cải thiện mạnh mẽ nhất cũng giống như chỉ số này trong PAPI 2018.

Nếu coi người dân là trung tâm thì nên hỏi họ trước. Thăm dò, điều tra xã hội học là một ngành khoa học cho phát triển, lấy những con số để chứng minh thực tại và dự báo.

Báo cáo PAPI đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Kết quả trình bày trong báo cáo cho thấy kể từ năm 2016, kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể qua từng năm.

Trách nhiệm giải trình với người dân (chỉ số nội dung thứ 3) cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu hội đồng nhân dân.

Trong khi đó, điểm số của những lĩnh vực tham gia của người dân ở cấp cơ sở (chỉ số nội dung thứ 1) và Thủ tục hành chính công (chỉ số nội dung thứ 5) cho thấy có sự giảm sút.

Trong hội thảo, tôi ngồi bên một vị đến từ địa phương. Ông liên tục giở báo cáo, alo đi đâu đó về những con số, biểu đồ xanh đỏ, vẻ hơi lo lắng. Nếu xem vài trang của PAPI 2020 chỉ thấy các con số thống kê tăng giảm đơn thuần, vào trang web (https://papi.org.vn/chi-so/?y=2020&p=tham_gia_cua_nguoi_dan_o_cap_co_so&lang=vi) sẽ rõ hơn các chỉ số của từng tỉnh, tổng các con số ấy là chỉ số đo sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền. Địa phương lo là phải, may mà đại hội, bầu bán xong rồi.

Các chỉ số PAPI cũng hy vọng tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương trong quá trình hướng tới chính quyền “kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”. Nếu biết lòng dân ra sao thì sẽ phục vụ tốt hơn. Điều này chỉ có được thông qua các thăm dò, điều tra xã hội học như kiểu PAPI đang làm.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, phát biểu khai mạc: “Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công”.

Từ khi thí điểm tại ba tỉnh năm 2009 với hơn 500 người dân được hỏi, đến năm 2020 tại 63 tỉnh đã có hơn 14.700 người được phỏng vấn cho Báo cáo PAPI 2020. Tám báo cáo PAPI thường niên đã thu thập ý kiến của gần 120.000 lượt người thông qua phỏng vấn trực tiếp với người dân được chọn ngẫu nhiên theo quy trình lấy mẫu khoa học, nghiêm ngặt và khách quan.

PAPI 2020 có số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát chính thức được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại sáu tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, và Bình Dương).

Theo PAPI, thông tin do người dân tạm trú cung cấp giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Phân tích cho thấy người dân di cư có xu hướng nghèo hơn và có ít tài sản hơn và thu nhập thấp hơn so với người dân thường trú và họ thường là phụ nữ. Vì vậy, trải nghiệm của người dân di cư rất khác so với người dân thường trú trong cùng một địa bàn dân cư. Dữ liệu này rất quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản trị bao trùm, không để người dân di cư bị bỏ lại phía sau.

Bà Wiesen còn nhấn mạnh: “Để thu hẹp những khoảng cách này, các tỉnh tiếp nhận người di cư trong nước cần tập trung giải quyết nhu cầu về thông tin và những mong đợi của tất cả mọi người dân, cả thường trú và tạm trú. Nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân số hóa hiện nay là những bước đi đúng hướng của Chính phủ. Một mã số nhận dạng thống nhất sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận quản trị và dịch vụ công một cách bình đẳng, bất kể nơi cư trú của họ trong phạm vi Việt Nam”.

Về quản trị điện tử, các câu hỏi rất đơn giản chỉ tập trung vào: (1) Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; (2) Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương; và (3) Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử. Kết quả còn khiêm tốn chứng tỏ con đường số hóa còn dài.

Nhớ năm 2018 dự nghe báo cáo PAPI, anh Đặng Hoàng Giang, người nổi tiếng với những bài viết phản biện, tác giả cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can, nói rằng lần thứ 1 (2011) chỉ có 20 người dự nghe PAPI, nhưng hôm đó trong hội trường Grand Ball Room tại khách sạn Daewoo có 500 khách từ các tỉnh, trung ương, và quốc tế. Và báo cáo năm nay, phía khách sạn phải xếp thêm hàng trăm ghế phụ cho dù dịch Covid-19 vẫn chưa hết.

Nếu chỉ nghe các địa phương báo cáo thì khó biết được đúng sai vì các con số đó thường được “nhào nặn” cho đẹp. Tham khảo PAPI sẽ biết thêm các thông tin khác như, dân có đồng ý về vấn đề đất đai, họ có được tham vấn về phát triển ở địa phương hay đánh giá thế nào về hành chính công, về chính phủ điện tử, số hóa, đó là một phần của lòng dân. Ví dụ, các chỉ tiêu cấu thành chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đều chỉ ra sự tích cực hơn so với năm 2018. Kết quả này là minh chứng rõ ràng, công cuộc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ như thế nào.

Nếu coi người dân là trung tâm thì nên hỏi họ trước. Thăm dò, điều tra xã hội học là một ngành khoa học cho phát triển, lấy những con số để chứng minh thực tại và dự báo. Mỗi công ty, mỗi địa phương, mỗi quốc gia, muốn phát triển đều phải dựa vào số liệu khoa học để điều chỉnh chiến lược phát triển, kế hoạch cho các giai đoạn.

Trong quản trị quốc gia cũng vậy, sẽ khó thuyết phục những người xung quanh nếu chỉ dùng lời hay, ý đẹp. Không gì có thể phủ nhận, các chỉ số kiểu PAPI là một trong những chứng thực rõ rành rành về hiệu quả và năng lực của chính quyền, giúp cho chính phủ điện tử tiến tới quốc gia 4.0 được thể hiện trong những chỉ số PAPI tiếp theo. 

Xem thêm: lmth.04-aig-couq-av-ipap-os-ihc-ut-neid-uhp-hnihc/575513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chính phủ điện tử, chỉ số PAPI và quốc gia 4.0”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools