vĐồng tin tức tài chính 365

Niêm yết quốc tế để làm gì?

2021-04-22 16:45

Niêm yết quốc tế để làm gì?

TS. Võ Đình Trí (*)

(KTSG) - Mới đây, thông tin Bamboo Airways dự kiến trở thành công ty đại chúng, niêm yết ở Mỹ đã tạo nên những tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, cộng đồng nhà đầu tư ở Việt Nam.

Người thì vui mừng, ủng hộ vì đã đặt niềm tin vào các doanh nghiệp này, rồi còn thêm lòng tự hào dân tộc; người thì hoài nghi vì sức hút ở giá trị nội tại là ở đâu, vì sao thông tin được đưa ra lúc này, vì sao huy động vốn cổ phần đại chúng mà không là phương thức khác?

Vì sao huy động vốn cổ phần đại chúng quốc tế lúc này?

Khi một công ty muốn mở rộng quy mô về tài sản, thì có thể lựa chọn bằng cách tăng vốn cổ phần hay vốn vay, hoặc kết hợp cả hai tùy vào tình hình của công ty và chi phí vốn của từng phương án. Tại Việt Nam, những cái tên có ý định niêm yết ở nước ngoài đều là những tập đoàn lớn, trong hệ sinh thái có nhiều công ty niêm yết và thu hút đáng kể các nhà đầu tư.

Thời gian qua, so với đáy hồi tháng 3-2020 thì cả VN-Index và SP500 đã cùng tăng khoảng 80%. Cùng với thông tin các gói kích cầu ngàn tỉ đô la của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa nâng lãi suất đến trước năm 2024 thì thị trường chứng khoán được tin là kênh thu hút vốn hấp dẫn, và niêm yết lúc này có thể cho là hợp lý.

Thông thường, các công ty nhỏ và không nằm trong radar của các nhà phân tích của các ngân hàng đầu tư, các công ty môi giới thì rất khó được biết đến bởi các nhà đầu tư cá nhân.

Nhưng việc một công ty của Việt Nam muốn niêm yết ở Mỹ, nhằm thu hút vốn của nhà đầu tư đại chúng quốc tế thì có ổn không? Đối với các nhà đầu tư cá nhân quốc tế, sự lựa chọn ưu tiên luôn là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp mà họ dễ kiểm tra thông tin.

Mức vốn hóa của doanh nghiệp nhỏ nhất trong tốp 500 ở Mỹ hiện nay vào khoảng 17 tỉ đô la Mỹ. Trong khi vốn hóa hiện nay của FLC là 430 triệu đô la thì Bamboo Airways (FLC sở hữu 39,4% vào ngày 5-2-2021) để được vào tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế là rất khó.

Thông thường, các công ty nhỏ và không nằm trong radar của các nhà phân tích của các ngân hàng đầu tư, các công ty môi giới thì rất khó được biết đến bởi các nhà đầu tư cá nhân.

Chi phí vốn cổ phần cũng thường đắt hơn chi phí vốn vay. Trong bối cảnh lãi suất thấp ở nhiều nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi vay rất nhiều trên thị trường Mỹ, EU thì các tập đoàn lớn của Việt Nam khi có nhu cầu vốn lại không dễ tiếp cận.

Bởi vì các tập đoàn lớn của Việt Nam chưa thực sự hay chưa muốn để ý đến xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Một khi chưa được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn như Fitch, S&P, Moody’s xếp hạng thường xuyên thì việc tiếp cận thị trường vốn vay quốc tế là rất khó, và tốn kém.

Giá trị nội tại?

Việc định giá cổ phiếu của một công ty mới thành lập phụ thuộc nhiều vào triển vọng tương lai của công ty, vào lợi thế cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành, và triển vọng của ngành đó.

VinFast, một cái tên nổi tiếng của Việt Nam và hiện cũng đang có một số kế hoạch ở thị trường Mỹ, với mục tiêu được dồn phần lớn vào mảng xe điện, và kỳ vọng được bán ra thị trường nước ngoài hay đặt nhà máy ở nước ngoài. Nhiều người kỳ vọng ở chỗ chính sách nền kinh tế xanh của các nước phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ các ngành có khí thải carbon thấp, nhất là xe điện.

Nhưng chính phủ nào cũng sẽ chỉ dành ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa. Ngay tại Mỹ, ngoài ba đại gia lẫy lừng là General Motors, Ford Motor, và Stellantis (với các thương hiệu Chrysler, Dodge, Jeep, RAM) thì còn có hơn 40 công ty sản xuất ô tô khác. Các hãng sản xuất ô tô này với thế mạnh từ trước của mình, cũng đã đầu tư nhiều đón đầu mảng xe điện, nên không dễ để cạnh tranh thành công trên thị trường Mỹ.

Đó là chưa kể các công ty này còn phải cạnh tranh vã mồ hôi với Tesla. Một chi tiết quan trọng mà ít người để ý là giá xe điện còn rất cao, chỉ phù hợp với nhóm dân cư có thu nhập và trình độ khá cao. Khách hàng chủ yếu của Tesla không chỉ là những người ưa thích công nghệ, mà thực sự phải có khả năng chi trả. Mặc dù xét về dài hạn, chi phí cho xe điện ít hơn, nhưng việc phải bỏ ra một khoản chi phí lớn ban đầu luôn là trở ngại đối với phần đông người dân có thu nhập trung bình hay thấp.

Với Bamboo Airways, việc thu hút nhà đầu tư quốc tế cũng không kém phần gian nan. Ngành hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không quốc tế bị phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, giá cổ phiếu trên thị trường có khi bằng hoặc thấp hơn giá trị sổ sách. Nhiều cổ phiếu hàng không quốc tế hiện nay được xếp vào nhóm cổ phiếu giá trị, vì đang bị thị trường định giá thấp, khả năng sinh lợi là rất cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Công ty đại chúng: kẻ vào, người ra

Mỹ là thị trường chứng khoán lớn và quan trọng bậc nhất thế giới với hai sàn giao dịch là NYSE và Nasdaq. Theo sàng lọc của người viết từ cơ sở dữ liệu của Eikon (Thomson Reuters) thì hiện nay có 3.744 công ty niêm yết ở hai sàn này. Số lượng này ước tính đã giảm đi 50% so với thời đỉnh cao vào năm 1996. Có ba nguyên nhân chính giải thích cho việc sụt giảm số lượng công ty niêm yết: i) công ty bị phá sản hay giải thể, ii) công bị sáp nhập hay quay lại thành công ty tư nhân, và iii) số lượng IPO (phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng) giảm.

Một quan sát thú vị là tuổi thọ trung bình của các công ty niêm yết cũng ngày càng ngắn hơn, số lượng công ty niêm yết giảm đi nhưng vốn hóa của toàn thị trường lại tăng, vốn hóa của các công ty lớn thì càng lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ. Cũng từ dữ liệu của Eikon, hiện nay giá đóng cửa bình quân của một cổ phiếu Mỹ là 23,51 đô la, vốn hóa trung bình của một công ty niêm yết là khoảng 2 tỉ đô la, và P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) là 23,51.

Hiện tượng thâu tóm ngày càng phổ biến đối với cả các công ty đang niêm yết. Nhiều tập đoàn công nghệ với lượng tiền mặt khổng lồ, mà thị trường hay gọi là núi tiền mặt, luôn săn tìm những công ty trong cùng ngành, dù là khởi nghiệp, công ty tư nhân, hay đại chúng.

Trong khi có những công ty đang ở hình thức tư nhân muốn chuyển sang đại chúng (niêm yết), thì cũng có những công ty đang từ đại chúng muốn quay về lại tư nhân. Trong các động cơ quan trọng, phải kể đến việc nắm cổ phần chi phối của một cá nhân hay một nhóm nhỏ và đến một lúc nào đó, những người này thấy quá nhiều phiền hà với các thủ tục báo cáo với các cơ quan giám sát, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán (SEC).

Một yếu tố quan trọng không kém là những người nắm quyền chi phối công ty không muốn minh bạch một số thông tin nhất định, hay bị can thiệp trong các quyết định của mình. Trước đây, Elon Musk cũng đã có lần đánh tiếng sẽ đưa Tesla trở lại tư nhân, có lẽ cũng là vì những lý do được đề cập ở trên.

Việc một công ty Việt Nam đi vào hoạt động chưa lâu và có kế hoạch muốn niêm yết ở Mỹ có thể nói là táo bạo. Khó ai có thể biết được những mục tiêu của việc gửi ra công chúng thông tin lúc này, vì vấn đề bất cân xứng thông tin. Thị trường sẽ có nhiều cách tiếp nhận khác nhau. Dù thông qua cách nào, IPO, SPAC, hay niêm yết cửa sau thì người viết cũng mong thấy được một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở Mỹ, và lúc đó thị trường quốc tế sẽ định giá là bao nhiêu.

Một số hình thức trở thành công ty đại chúng

IPO: Thông qua một tổ chức chuyên nghiệp, thường là ngân hàng đầu tư, để chào bán cổ phiếu của công ty ra công chúng. Quá trình này cần nhiều thời gian và thủ tục, vì phải có bản cáo bạch, đi làm roadshow. Sau khi IPO thì sẽ niêm yết, có thể được hoặc không.

SPAC: Là một công ty dạng vỏ sò, hay còn gọi là séc trắng, chỉ có tiền, được niêm yết nhằm mục đích sáp nhập với một công ty khác muốn niêm yết, thường lớn hơn. Phương án này giúp công ty muốn niêm yết được niêm yết nhanh hơn. Công ty sử dụng SPAC thường mới thành lập, chưa có lịch sử báo cáo tài chính.

Niêm yết cửa sau: Công ty muốn niêm yết sáp nhập với một công ty đang niêm yết. So với SPAC thì có thể lâu hơn, vì SPAC có áp lực tìm công ty để sáp nhập. Công ty niêm yết cửa sau thường có thâm niên, lớn hơn công ty bị sáp nhập, nhưng tự niêm yết thì không đủ điều kiện.

 

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Xem thêm: lmth.ig-mal-ed-et-couq-tey-mein/675513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Niêm yết quốc tế để làm gì?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools