Hãng Channel News Asia đưa tin chính quyền Indonesia ngày 22-4 cho biết nguồn cung cấp oxy cho tàu ngầm hải quân hiện đang mất tích sẽ hết vào sáng ngày 24-4 (giờ địa phương), đồng thời giới chức Jakarta cũng bày tỏ sự lạc quan về các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22-4, Đô đốc Yudo Margono - người đứng đầu hải quân Indonesia - cho biết chỉ còn khoảng 72 giờ để cứu sống toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu ngầm hải quân bị mất tích ngoài khơi Bali trước khi nguồn dưỡng khí cạn kiệt.
Indonesia thông tin về cơ hội sống sót của 53 thủy thủ của tàu ngầm bị mất tích. Ảnh: AP
“Chúng tôi đã mất liên lạc (với tàu) lúc 3 giờ sáng ngày hôm qua, vì vậy con tàu chỉ còn đủ oxy đến 3 giờ sáng 24-4” - ông Margono hôm 22-4 nói.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã mất tích hôm 20-4 cùng 53 thủy thủ trên tàu khi tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển phía bắc Bali.
Liên lạc với tàu đã bị mất vào khoảng 4 giờ 30 sáng 20-4 (giờ địa phương), sau khi con tàu xin chỉ đạo được lặn lúc 3 giờ sáng cùng ngày.
“Chúng tôi lạc quan, chúng tôi hy vọng những điều tốt đẹp nhất” - Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto bày tỏ.
Bộ Quốc phòng Indonesia hôm 20-4 cho biết tổng cộng 49 thành viên thủy thủ đoàn, một chỉ huy tàu và ba chuyên gia vũ khí đang có mặt trên tàu ngầm.
Tờ South China Morning Post ngày 22-4 dẫn một nguồn tin an ninh cho biết tàu ngầm thường có sức chứa thủy thủ đoàn là 34 người, nhưng "những thủy thủ đoàn bổ sung đã được điều động trên tàu" trong cuộc tập trận.
Theo ông Frank Owen - chuyên gia tại Viện tàu ngầm Úc, các tàu ngầm thường có đủ nguồn cung cấp oxy khẩn cấp để ứng phó mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài trong bảy ngày.
Các biện pháp bao gồm nến hóa học, có thể tạo ra oxy khi đốt cháy, cũng như các hộp chiết xuất CO2 khi không khí bị hút qua chúng.
“Vấn đề là có 53 người trên tàu trong khi sức chứa thủy thủ đoàn thông thường là 34 người. Điều đó có nghĩa là có thêm 55% số người so với hệ thống khẩn cấp được thiết kế để hỗ trợ” - ông Owen nhận định.
Channel News Asia dẫn lời một quan chức cho biết tàu ngầm này có thể duy trì áp suất ở độ sâu tối đa khoảng 250 mét, được đóng tại Đức vào năm 1977 và gia nhập hạm đội của Indonesia vào năm 1981.
Vết dầu loang đã được phát hiện ở một số địa điểm sau khi tàu ngầm mất tích.
Ông Margono nhận định điều này có thể do bình nhiên liệu của tàu bị hỏng.
"Thứ hai, thủy thủ đoàn có thể đã đổ dầu với hy vọng (con tàu) nổi. Điều này sẽ làm nhẹ tàu ngầm" - ông Margono nói.
Nỗ lực tìm kiếm
Trước đó, phát ngôn viên quân đội Indonesia, Thiếu tướng Achmad Riad, hôm 21-4 cho biết các tàu cứu hộ từ Singapore và Malaysia ước tính sẽ đến địa điểm vào cuối tuần này để hỗ trợ tìm kiếm.
Tàu cứu hộ MV Swift Rescue của Singapore đã khởi hành và rất có thể sẽ đến Bali vào ngày 24-4, trong khi tàu MV Mega Bakti của Malaysia đã khởi hành từ TP. Kota Kinabalu, bang Sabah và dự kiến sẽ đến vào chiều 25-4.
Tổng cộng có 21 tàu, năm máy bay và hai tàu ngầm đã được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm.
Giới chức trách cho biết tại cuộc họp báo rằng nhóm tìm kiếm đã tìm thấy một vật thể từ tính trôi nổi ở độ sâu từ 50 mét đến 100 mét.
"KRI Rigel (một tàu hải quân) hiện đang được điều đến (để lấy vật thể). Chúng tôi hy vọng (vật thể là một phần của) KRI Nanggala" - Chỉ huy trưởng Không quân Indonesia, ông Marshal Hadi Tjahjanto, cho biết.
Ông Margono cho biết khu vực biển trong suốt quá trình diễn tập và hoạt động tìm kiếm đều mang lại tầm nhìn tốt, đồng thời nói thêm rằng hải quân nước này bảo dưỡng tốt các thiết bị của mình.
Trả lời câu hỏi về việc liệu con tàu có quá cũ hay không, ông Subianto nhấn mạnh sự cần thiết phải hiện đại hóa vũ khí của nước này.
“Chúng tôi đã ưu tiên việc phát triển và thịnh vượng, vì vậy các tàu ngầm chưa được hiện đại hóa. Điều đó bây giờ là cấp bách, chúng tôi sẽ hiện đại hóa các khí tài của mình” - ông Subianto nói.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 22-4 đã kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hết sức để tìm kiếm con tàu.
“Ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của 53 thành viên thủy thủ đoàn” - ông Widodo nói.