Vương miện sắc đẹp là khát khao, mơ ước chính đáng của hàng triệu cô gái. Mới đây, một số cuộc thi sắc đẹp trong nước đã bắt đầu mở cửa với người chuyển giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng với cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT Huỳnh Minh Thảo xoay quanh câu chuyện này.
Bộ ba giám khảo tại Đại sứ hoàn mỹ: Hoa hậu Hương Giang (bìa trái),
. Phóng viên: Rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý đang đặt người chuyển giới thành nhóm dễ bị tổn thương, không dám công khai. Tuy nhiên mới đây, có hai cuộc thi đã mở cửa với người chuyển giới đó là Hoa hậu Hoàn vũ (thi ảnh) và Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu. Anh có suy nghĩ gì khi biết thông tin này?
+ Ông Huỳnh Minh Thảo: Tôi cũng có nghe được các thông tin này qua báo, đài. Bản thân cảm thấy rất thú vị vì người chuyển giới từ nay cũng được thừa nhận đúng với vai trò giới là một người phụ nữ.
Điều này cho thấy sự cởi mở của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng. Tôi mong không chỉ các cuộc thi nhan sắc mà tất cả lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp khác, người chuyển giới cũng sẽ được công khai đón nhận tương tự như vậy.
Rất nhiều bạn chuyển giới vẫn chưa thay đổi được họ tên, giới tính của mình trong giấy tờ tùy thân, đó là vấn đề duy nhất mà tôi lo lắng.
Tôi vẫn mong các cuộc thi sẽ có chính sách, hướng dẫn để các bạn chuyển giới được tham dự một cách tự do và hợp pháp. Tôi rất vui khi cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu đã có những quy định mới hỗ trợ được cho các bạn chuyển giới nữ tham dự.
. Anh mong đợi điều gì ở những cuộc thi như thế này?
+ Tôi từng may mắn tham gia làm giám khảo khách mời cho cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ - đây là một cuộc thi do Hoa hậu Hương Giang mua bản quyền từ Thái Lan dành riêng cho người chuyển giới nữ.
Ngoài ra, thời gian dài tham gia trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT nói chung cũng giúp tôi hiểu hơn về tâm tư và nguyện vọng của cộng đồng mình.
Tôi biết các cuộc thi người đẹp luôn là một sân chơi hào nhoáng mà nhiều bạn trong cộng đồng người chuyển giới nữ mong muốn được một lần trong đời thử sức, đó cũng là một nguyện vọng chính đáng.
Nhưng cũng như xu hướng của các cuộc thi nhan sắc trên thế giới, tôi vẫn mong các cuộc thi người đẹp thật sự sẽ là một nơi giúp các thí sinh học hỏi và trải nghiệm thêm nhiều vấn đề khác về bản thân và xã hội, thay vì chỉ chăm chăm vì lợi ích truyền thông.
Cụ thể là việc hỗ trợ các thí sinh tham gia thực hiện các dự án cộng đồng, mang lại những ý nghĩa thực tế của một đại diện nhan sắc và ý nghĩa của cuộc thi mà mình tổ chức. Đừng hình thức bằng những hành động qua loa, “giả trân”… như một số người đẹp bước ra từ những cuộc thi mà chúng ta thấy trước đây.
Một số cuộc thi sắc đẹp trong nước đã bắt đầu mở cửa với người chuyển giới. Bắt đầu là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 lần đầu chấp nhận thí sinh chuyển giới tham gia vòng thi ảnh online. Mới đây, họp báo Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu công bố cuộc thi này chấp nhận cả thí sinh chuyển giới. |
Sẵn sàng tranh luận khi bị xúc phạm nặng nề
. Xin hỏi thẳng, anh có lo sợ việc chấp nhận người chuyển giới thi hoa hậu là một chiêu trò để thu hút truyền thông và công chúng?
+ Có thu hút truyền thông thì cũng tốt, vì tôi nghĩ công chúng cũng cần đến lúc biết được người chuyển giới nữ chính là một người nữ như bất kỳ người nữ nào khác.
Bạn còn nhớ sự kiện ca sĩ Lynk Lee từng bị thóa mạ nặng nề khi công khai mình là người chuyển giới không? Những câu nói kiểu như “Đẻ được đi rồi nói chuyện” hay “Khu vui chơi giải trí không biết đã hoàn thiện chưa?”... chính là những lời lẽ xúc phạm nặng nề không chỉ dành cho những người chuyển giới, mà còn thể hiện nhận thức kém cỏi của cộng đồng với chính mình.
Nói những từ “đẻ được đi” hay “khu vui chơi giải trí”... cho thấy họ xem phụ nữ như đồ chơi, như máy đẻ và người chuyển giới có vui vẻ gì để trở thành những món đồ như thế?!
Sự có mặt của người chuyển giới ngày càng mạnh mẽ đã chứng minh một điều rằng: Những suy nghĩ, thái độ, quan điểm đó là quá lạc hậu và cần được thay đổi ngay lập tức, nếu chính bạn không muốn trở thành một người ích kỷ, xấu tính và hẹp hòi.
Quay lại chuyện này, tôi thực lòng mong các cuộc thi nhan sắc hãy liên tục “câu view” với chủ đề này, cho những thái độ cổ hủ mau chóng “lộ mặt” để chúng tôi còn có dịp tranh luận phải trái, đúng sai với họ.
. Anh là chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam, cũng từng là giám khảo khách mời chương trình Đại sứ hoàn mỹ, anh có thể giới thiệu một vài gương mặt xuất sắc cho những cuộc thi này?
+ Tôi yêu quý hầu hết các em thí sinh của Đại sứ hoàn mỹ, mỗi em có một thế mạnh và điểm yếu rất khác nhau. Tôi cũng không thể hiểu rõ hết tiêu chí các cuộc thi nhan sắc hiện tại để có thể gợi ý cái tên nào cả.
Tôi chỉ mong các bạn chuyển giới nếu có khát khao, hãy tham gia thật tốt, thật hết mình, dù có dừng lại ở vị trí nào thì đó cũng là một kỷ niệm đẹp trong chặng đường đã qua của bản thân.
Mong các em hiểu rằng thi đấu nhan sắc không phải là tất cả cuộc đời của mình, các em vẫn có thể làm được nhiều thứ khác cũng rất đáng để tự hào tương tự như vậy. Thậm chí, nếu đúng khả năng và tài năng của mình, các em có khi còn tỏa sáng dữ dội hơn nữa.
Mặc dù Việt Nam đã thừa nhận sự có mặt và quyền của người chuyển giới trong một số văn bản pháp luật, tôi vẫn mong các em sẽ đại diện cho cộng đồng người chuyển giới thúc đẩy nhanh hơn nữa những cơ sở pháp lý khác để cộng đồng người chuyển giới nói chung có thể sớm được sống đúng là mình một cách đầy đủ và hợp pháp.
. Xin cám ơn anh.