vĐồng tin tức tài chính 365

Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

2021-04-24 17:47

Chiều 24-4, tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được tổ chức tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng (Hà Nội). Đông đảo bạn bè, người thân của ông và những người yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đến tiễn biệt.

Trong sổ tang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: "BCH Hội nhà văn Việt Nam xin cúi đầu đưa tiễn thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm về cõi vĩnh hằng.

Các nhà văn và bạn đọc xin biết ơn ông đã dâng hiến cho cuộc đời những vần thơ lấp lánh ánh mặt trời. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một biểu tượng của tình yêu và của thi ca dâng hiến cho cuộc đời này. Xin cúi đầu đưa tiễn".

Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - ảnh 1
Đông đảo bạn bè và những người yêu thơ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đến viếng ông. Ảnh: VT

Tại lễ tang, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ với báo chí, ông cho biết, ông và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm dù tuổi tác khác nhau nhưng vừa là người bạn đồng nghiệp vừa là tình anh em rất thân thiết.

“Tôi - Hoàng Nhuận Cầm và Trúc Thông là cặp 3 rất thân thiết tâm giao với nhau, có thể nói bất cứ bài thơ, tập thơ nào ra đời Cầm đều đọc cho tôi và Trúc thông nghe, chúng tôi có rất nhiều đêm đi lang thang Hà Nội trong chiến tranh”- nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho biết, thơ Hoàng Nhuận Cầm được rất nhiều thế hệ sinh viên thích, bởi vì người lính học trò trong thơ Hoàng Nhuận Cầm rất sâu sắc, tâm hồn của ông rất trong trẻo và thánh thiện.

“Một người rất đức độ, chỉ có thơ ca, quý tài, trọng tài, quý bạn, làm được gì cho bạn thì làm hết lòng”- nhà thơ Hữu Thịnh nhận xét về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Trong sổ tang, nhà văn Bình Ca viết: "Sáng nay, gia đình cố nhà văn Hữu Mai đã đưa tiễn người Cầm gọi là Mẹ lên an nghỉ ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Cuộc đời thật ngắn ngủi, vô thường. Chỉ vài hôm trước, Cầm còn ngồi với gia đình trong giỗ 49 ngày của mẹ. Vậy mà hôm nay Cầm đã đột ngột ra đi.

Mẹ, và cả cha, sẽ đón Cầm ở nơi đấy, lại cùng Cầm nói chuyện tâm tình và đàm đạo văn chương. Vĩnh biệt Cầm.

Điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là sau khi họ ra đi, tác phẩm của họ sẽ đọng lại trong lòng mọi người. Bạn đọc sẽ nhớ mãi Cầm cùng những dòng thơ đầy lửa cháy".

Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - ảnh 2
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời chiều 20-4 tại nhà riêng, hưởng thọ 69 tuổi. Ảnh: VT

Điếu văn tại lễ tang do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc có đoạn: "Một nhà thơ chân chính chỉ biết cúi đầu trước mẹ, trước tổ quốc và trước cái đẹp và vầng trăng là một biểu tượng. Chúng ta sẽ không bao giờ quên ông, thi sĩ tài hoa, đặc sắc của một thời đại thi ca Việt".

Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - ảnh 3
Con trai nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc bài thơ: 'Nếu tôi chết' của ông tại lễ tang. Ảnh: VT

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,...

Ngoài thơ ca, ông còn viết kịch bản phim. Ông là tác giả kịch bản của rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy...Ông cũng tham gia diễn xuất với vai Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ.

 

Xem thêm: lmth.767089-mac-nauhn-gnaoh-oht-ahn-neit-aud-oagn-nehgn-iougn-gnod/aoh-nav/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools