Không xin được giấy chứng nhận, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống cho rằng bị UBND Q.8 làm khó - Ảnh: Đ.T.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị Dương Thị Cẩm Thúy (chủ một quán cà phê tại phường 9, Q.8) cho biết khoảng giữa tháng 6-2020, chị được UBND phường nhắc nhở về việc kinh doanh dịch vụ ăn uống phải làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP).
Thêm nhiều thủ tục
Sau khi làm các thủ tục theo quy định và nộp cho UBND Q.8 thì chị Thúy được yêu cầu bổ sung hợp đồng thuê nhà có thời gian 3 năm trở lên. Dù cho rằng việc này bất hợp lý vì giấy phép kinh doanh của chị được cấp từ năm 2007 nhưng chị T. vẫn thực hiện theo.
Đến ngày 27-7-2020, chị nhận được thông báo từ Phòng y tế Q.8, yêu cầu bổ sung giấy khám sức khỏe ghi rõ lý do khám là kinh doanh dịch vụ ăn uống (trước đó chị Thúy ghi là khám để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP), đồng thời trong phần kết luận của giấy khám sức khỏe bắt buộc phải có thêm nội dung "không bị mắc bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm".
"Tôi thấy yêu cầu như vậy là bất hợp lý, trước đó khi khám sức khỏe tôi đã thực hiện đầy đủ các nội dung như chụp X-quang, xét nghiệm máu, thử nước tiểu... Việc bổ sung này tôi có liên hệ Bệnh viện Q.8 thì được trả lời phải làm lại từ đầu và làm tất cả các xét nghiệm theo yêu cầu của Phòng y tế quận thì bệnh viện mới dám kết luận. Các quy trình, thủ tục này gây khó khăn cho người dân" - chị Thúy nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (phường 6, Q.8) dù đã mở quán bán cà phê ngay tại nhà mình từ năm 2007 và có đầy đủ giấy phép kinh doanh nhưng vẫn không thể xin được giấy chứng nhận do thiếu ý kiến cho phép kinh doanh của mẹ chị.
"Tôi bán cà phê hơn chục năm nay tại nhà của mình, có giấy phép hẳn hoi mà giờ phải nộp giấy xác nhận cho phép kinh doanh của mẹ là vô lý, hơn nữa bà đã già yếu, đi lại rất khó. Mùa dịch vừa rồi buôn bán không được, lại còn phải chạy tới chạy lui, bổ sung cái này, bổ sung cái kia, mỗi lần đi như vậy là tôi lại phải đóng cửa, tôi cho rằng mình bị làm khó" - chị Tâm bức xúc khi bị hành "lên bờ xuống ruộng".
Muốn xin giấy chứng nhận phải có sổ hồng?
Năm 2008, chị N.T.H. thuê một phần đất trên đường Võ Liêm Sơn, phường 4, Q.8 để mở quán ăn. Tuy nhiên địa điểm này chỉ là một phần đất trống, chị H. dựng lên vách lá để kinh doanh. Sau khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thì chị H. được yêu cầu bổ sung thêm... giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng).
"Tôi mượn giấy chứng nhận quyền sở hữu đất của chủ đất lên thì bị Phòng y tế quận từ chối, họ yêu cầu phải có sổ hồng mới được cấp giấy. Khi tôi thuê địa điểm mở quán chỉ là một bãi đất trống, chủ đất không xây dựng nhà trên đó, tôi cũng chỉ dựng vách lá thì sổ hồng ở đâu ra" - chị H. thắc mắc.
Theo thông báo của Phòng y tế Q.8 ngày 27-7-2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của phó chủ tịch UBND Q.8 Nguyễn Thị Thu Hoa, Phòng y tế Q.8 yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh bổ sung một số nội dung thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.
Cụ thể, đối với địa điểm kinh doanh được thuê thì cần có hợp đồng thuê nhà. Trường hợp địa điểm kinh doanh là nhà thuộc sở hữu gia đình thì cần có ý kiến đồng thuận hoặc cho phép kinh doanh của chủ sở hữu nhà. Đối với giấy khám sức khỏe, yêu cầu phải có nội dung xác nhận là "không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp".
Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật an toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến địa điểm thuê.
Luật sư Cường nói thêm: "Dưới góc độ quản lý nhà nước thì có thể hiểu ngành chức năng Q.8 muốn chắc chắn rằng người bán không mắc các chứng bệnh nêu trên thông qua kết luận của bệnh viện. Tuy nhiên, luật và văn bản hướng dẫn chỉ ghi là không bị mắc các bệnh này và không yêu cầu bệnh viện xác nhận".
Đã điều chỉnh một số thủ tục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Phòng y tế Q.8 cho biết một số quy định trong nghị định 155/2018 chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến một số vướng mắc khi áp dụng thực tế. Sau khi xem xét đánh giá thực tế, Phòng y tế Q.8 đã điều chỉnh một số thủ tục.
Theo đó, về giấy khám sức khỏe chỉ yêu cầu người trực tiếp chế biến mới yêu cầu có nội dung xác nhận là "không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da, nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp". Những nhân viên không trực tiếp chế biến thì khám bình thường theo thông tư 14 (kiểm tra tim phổi, hô hấp, tiêu hóa, thị lực, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng...).
Về yêu cầu cung cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà, lãnh đạo Phòng y tế quận này thừa nhận nghị định 155 không yêu cầu thế nhưng trong mẫu biên bản thẩm định lại có nội dung thẩm định địa điểm kinh doanh.
"Quy định này mang tính chất xác thực lại đúng địa điểm đăng ký kinh doanh, tránh trường hợp địa chỉ "ma", do đó cần xem lại giấy tờ nhà. Quận 8 đang áp dụng cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến cấp độ 4 để tăng cường công tác hậu kiểm. Quận cũng đang tính toán lại để tìm phương án thuận tiện nhất cho người dân" - lãnh đạo Phòng y tế Q.8 nói.
TTO - Bộ Công thương sẽ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh đảm bảo an toàn...
Xem thêm: mth.18094102252401202-mahp-cuht-hnis-ev-naot-na-yaig-iv-gnour-gnoux-ob-nel/nv.ertiout