“Cơn sốt” lan đột biến hiện tại đang dần lắng xuống khi hàng loạt các trường hợp khai báo mình bị lừa đầu tư, mua bán. Những lời cảnh tỉnh từ cơ quan chức năng, từ những nhà khoa học đã phần nào có tác dụng. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn rằng “cơn sốt” lan đột biến đã chấm dứt hay sẽ không có thêm một “cơn sốt” nào tiếp tục xuất hiện, gây hoang mang và thậm chí khiến cho con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Nhìn vào thực tế, những món hàng bị thổi giá được sử dụng với hình thức mua bán kiếm lời, thậm chí là lừa đảo đã diễn ra rất nhiều từ trước tới nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nhắc tới lan đột biến, nhiều người chắc hẳn đã từng nghe tới “bong bóng” hoa Tulip từng xảy ra ở Hà Lan khoảng 400 năm trước. Cũng giống như lan đột biến, hoa tulip ở Hà Lan được nâng giá lên tới cả triệu đô (khoảng mấy chục tỉ đồng tiền Việt), thu hút rất nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cho tới giờ, hoa tulip đã trở thành loài hoa phổ biến, loài hoa bình dân của đất nước này. Hay như ngay tại Việt Nam, cách đây cả chục năm sự việc cây xanh, cây si được nâng giá cao ngất ngưởng lên tới cả chục tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, những người đầu tư hồi đó đều đã nhận “trái đắng”.
Đã là “bong bóng”, rồi cũng sẽ vỡ. Thế nhưng tại sao vẫn có những người lao vào, góp phần tạo ra những “bong bóng” vô thực đó?
Theo lý giải từ chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lan đột biến hay những món hàng được “thổi giá” lên đến mức không tưởng, đều là do quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường, đằng sau đó có thể xuất phát từ động cơ lừa đảo, chiếm đoạt kinh tế. “Khi chỉ có vài người quan tâm đến lan đột biến, sẽ có ít người cạnh tranh để sở hữu được loại lan này, như vậy giá cả khó thể cao được. Nhưng vì lý do nào đó tạo nên một cơn sóng khiến đám đông ồ ạt đua nhau để có được loại lan đột biến thì đó sẽ quy luật cạnh tranh – một quy luật rất phổ biến của kinh tế thị trường, giá cả sẽ tăng vọt và thậm chí lên mức siêu tưởng.