Không phải tất cả mọi thanh thiếu niên đều chơi game online và xem video phát trực tuyến trong mùa dịch. Tại Afghanistan, có 5 cô gái trẻ đã tìm cách phát triển một loại máy thở có trọng lượng nhẹ và chi phí thấp để hỗ trợ quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Sau quá trình thử nghiệm cuối cùng, việc sản xuất chiếc máy thở với số lượng lớn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm máy thở tại quốc gia này.
5 cô gái Somaya Faruqi, Ayda Hayderpoor, Elham Mansoori, Florance Pouya và Diana Wahabzada đều trong độ tuổi 15-19 và hiện đang là thành viên Đội Robot nữ Afghanistan (Afghan Girls Robotic Team), một đội chỉ bao gồm các thành viên nữ, được thành lập vào năm 2017 với sự hỗ trợ từ Quỹ công dân kỹ thuật số phi lợi nhuận có trụ sở tại New York.
Họ cũng nằm trong số 20 người có độ tuổi từ 21 tuổi trở xuống được vinh danh trong danh sách Forbes 30 under 30 châu Á năm nay, đồng thời là minh chứng cho câu nói: chúng ta không bao giờ quá trẻ để tạo ra sự khác biệt và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
5 cô gái thuộc Afghan Girls Robotic Team. Ảnh: Supplied photo
Yong Xun Ong, chàng trai 21 tuổi người Malaysia, là một minh chứng khác cho thấy thế hệ Z không hề lãng phí thời gian của mình trong đại dịch. Đầu năm 2020, Ong, khi đó mới 19 tuổi, đã tự học viết code qua các video trên youtube trong lúc làm nhân viên giao hàng bán thời gian. Tháng 6 cùng năm, anh ra mắt ứng dụng học trực tuyến miễn phí JomStudy dành cho học sinh Malaysia.
Ứng dụng đạt hơn 10.000 lượt tải xuống chỉ trong vòng 4 tháng đầu tiên khi vừa phát hành. Tới thời điểm các trường học tại Malaysia đóng cửa vì đại dịch, số lượt tải về ứng dụng đã tăng gấp đôi lên con số 20.000 lượt. Ứng dụng của chàng thanh niên này cung cấp các ghi chú ôn tập từ các học sinh đã tốt nghiệp trung học trên ứng dụng. Anh cũng có kế hoạch mở rộng danh sách các công cụ hỗ trợ học tập, bao gồm các video và câu đố ở mỗi cuối phần trong nửa cuối năm nay.
Câu chuyện của Kamal Singh lại là câu chuyện truyền cảm hứng cho việc theo đuổi đam mê. Năm 17 tuổi, Singh gần như không hiểu hết về bộ môn múa ba lê khi đỗ vào Trường Ballet Hoàng gia Fernando ở Delhi. Chàng trai trẻ khi đó chỉ biết rằng mình thực sự yêu thích bộ môn này sau khi xem xong bộ phim tiếng Hindi ABCD: Any Body Can Dance.
Bốn năm sau, Singh trở thành người Ấn Độ đầu tiên trúng tuyển chương trình đào tạo học viên chuyên nghiệp của một trong những trường đào tạo ba lê uy tín và nổi tiếng nhất thế giới: Trường Ballet Quốc gia Anh.
Singh, con trai của một người lái xe kéo, đã quyên góp được 28.000 USD tiền học phí và chi phí sinh hoạt chỉ trong vài tuần từ chiến dịch huy động vốn cộng đồng (crowdfunding). Gần 300 người đã quyên góp cho chiến dịch của anh, bao gồm cả các ngôi sao Bollywood Kunal Kapoor và Hrithik Roshan.
Tại New Zealand, cô gái 21 tuổi Grace Stratton, người phải ngồi xe lăn suốt đời vì di chứng bại não, đã khởi động chương trình All is for All vào năm 2019 để ủng hộ những người khuyết tật trong ngành thời trang. Sự cố gắng của cô đã giúp 6 người mẫu khuyết tật được tham gia Tuần lễ thời trang New Zealand 2019‚ nơi bản thân Stratton cũng được chọn là diễn giả chính. Grace Stratton đã được trao Giải thưởng Attitude ACC Supreme Award của New Zealand vào năm 2020 và Giải thưởng Sáng tạo tại Giải thưởng Thanh niên New Zealand năm 2019.
Tài năng phi thường
Trong danh sách những người được vinh danh năm nay còn có các thần đồng và ngôi sao thể thao tương lai từ khắp các khu vực.
Tại Nhật Bản, cô bé Sumire Nakamura, 12 tuổi đã ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2019 với tư cách là một người chơi cờ vây chuyên nghiệp. Năm 10 tuổi, cô bé đã là tuyển thủ chuyên nghiệp trẻ nhất từ trước đến nay. Dù thua trận đầu tiên nhưng Nakamura giành chiến thắng thứ hai vào tháng 7 năm 2019 khi đánh bại kỳ thủ Chieko Tanaka, 67 tuổi. Nakamura là con gái của kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp cửu đẳng Shinya Nakamura. Cô bé bắt đầu học chơi cờ vây từ năm 3 tuổi và tham gia các giải đấu quốc gia năm 7 tuổi.
Gaurika Singh, 18 tuổi, đã học bơi lội từ năm 9 tuổi và thi đấu cho Nepal từ năm 12 tuổi. Tại Đại hội Thể thao Nam Á 2019, cô đã giành được bốn huy chương vàng, hai huy chương bạc và ba huy chương đồng. Cô là vận động viên trẻ nhất tại Thế vận hội Olympic Rio 2016. Singh cũng đã được chọn tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 (hiện đang hoãn lại đến tháng 7 năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Ngoài bơi lội, Singh còn tham gia công tác từ thiện và là đại sứ thiện chí cho các tổ chức phi lợi nhuận bao gồm Maiti Nepal và Sáng kiến Giáo dục Shanti.
Năm 2019, Komalika Bari, khi đó mới 17 tuổi, đã trở thành nữ tuyển thủ bắn cung thứ hai của Ấn Độ, sau Deepika Kumari, giành huy chương vàng tại Giải vô địch trẻ bắn cung thế giới ở Madrid. Cô tiếp tục gây ấn tượng khi giành huy chương bạc nội dung cá nhân và huy chương vàng đồng đội tại Thế vận hội Đại học Khelo Ấn Độ diễn ra vào tháng 2 năm 2020. Tháng trước, Bari đã hoàn thành các bài kiểm tra cuối cùng để đạt đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympics Tokyo.
Và tại Indonesia, vận động viên chạy nước rút Lalu Muhammad Zohri, được mệnh danh là “chàng trai nhanh nhất Đông Nam Á”, đã về đích với thành tích thành tích 10,13 giây tại hạng mục thi 100m thuộc Giải vô địch điền kinh châu Á 2019 ở Qatar. Thành tích này không những thiết lập kỷ lục quốc gia mới cho Indonesia mà còn giúp Muhammad Zohri giành được huy chương bạc tại giải thi đấu trên. Zohri, năm nay 20 tuổi, sẽ tham gia Thế vận hội Tokyo sau khi đạt thành tích về thứ ba tại Golden Grand Prix Osaka 2019. Trước đó, tại Giải vô địch U20 điền kinh thế giới 2018 ở Phần Lan, Zohri trở thành người Indonesia đầu tiên giành huy chương vàng ở nội dung 100 mét ở giải vô địch trẻ.
Đỗ Hiền
NDH